Chính phủ điện tử cần phải có hệ thống thông suốt bốn cấp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết yêu cầu cần đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử là xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử 4 cấp
(Ảnh minh họa. Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết yêu cầu cần đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử là xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử bốn cấp, từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử (một cửa điện tử Quốc gia).

Phát biểu tại buổi thông tin báo chí về Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ liên quan đến Chính phủ điện tử diễn ra ngày 20/10 tại Hà Nội, ông Lê Mạnh Hà cho biết để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần thực hiện các nhóm giải pháp về đầu tư tài chính, nhân lực, kỹ thuật, tổ chức. Ba nguồn kinh phí để triển khai gồm chi theo mục lục ngân sách, sử dụng nguồn nghiên cứu khoa học công nghệ và sử dụng quỹ viễn thông công ích cho những nhiệm vụ công trực tuyến.

Các lĩnh vực cần tập trung thực hiện trước là các lĩnh vực "nóng" như đất đai, giao thông, xây dựng, môi trường; lĩnh vực có tác động sâu rộng như đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư và lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.

Nói về mức độ sẵn sàng của công chức và người dân về khai thác tiện ích Chính phủ điện tử mang lại, ông Lê Mạnh Hà cho biết sự sẵn sàng để ứng dụng ở mức chưa cao, thời gian tới phải triển khai quyết liệt hơn. Nghị quyết 36a/NQ-CP đưa ra thời hạn cuối năm 2016, tất cả các dịch vụ công phải cung cấp ở mức độ ba, bốn, các đơn vị phải sẵn sàng, nếu không làm được, phải có chế tài áp đặt, thực hiện được mục tiêu đề ra. Việc này nếu làm tốt sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Ông Hà đơn cử hàng năm, chi trả bảo hiểm y tế khoảng 50.000 tỷ đồng, do giấy tờ phải đối chiếu nhiều, trùng lắp lớn, tỷ lệ thất thoát được công khai là 10% nhưng thực tế có thể lên đến 30%, nếu ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giảm sai sót, tránh thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.

Tránh đi vào "vết xe đổ" của Đề án 112 trước đây, Văn phòng Chính phủ không áp đặt cách làm chủ quan, không trực tiếp làm công nghệ thông tin. Việc thực hiện sẽ được Văn phòng giao cho các đơn vị thông tin thực hiện trên cơ sở tích hợp, kết nối liên thông hệ thống sẵn có của các bộ ngành, địa phương vốn đang rời rạc...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan triển khai thử nghiệm kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ với hệ thống của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác qua trục liên thông thử nghiệm.

Sau ba tháng triển khai, đến nay đã có 27 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ba bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản với hệ thống giả lập của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, Bộ Y tế và 19 địa phương đã liên thông gửi nhận văn bản và phản hồi trạng thái xử lý.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kết nối, liên thông hệ thống đối với các bộ, ngành, địa phương còn lại, hoàn thành trong năm nay.

Bên cạnh đó, từ 15/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của Thành phố trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Từ nay đến 1/3/2016, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương công khai tiến độ giải quyết hồ sơ theo đúng tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục