Chính phủ Cuba đã đưa ra một lộ trình tiến hành cải cách kinh tế, chính trị và xã hội một cách "sâu rộng" ngay sau khi Quốc hội Cuba thông qua ba văn kiện định hướng phát triển tương lai của quốc gia này.
Tại 2 phiên họp bất thường mới đây, Quốc hội Cuba đã tập trung phân tích và đánh giá về những tiến bộ đã đạt được trong công cuộc cải cách, được Chủ tịch Raul Castro đề ra trong văn kiện "Đường lối chính sách kinh tế và xã hội của cách mạng", được cho là nền tảng của công cuộc cải cách của đất nước này. Đồng thời, Quốc hội Cuba cũng đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 cũng như "khái niệm hóa" mô hình này, một văn kiện nhằm hình thành cơ sở lý luận cho Cuba trong những năm tới.
[Cuba mời gọi nước ngoài đầu tư 8 tỷ USD vào hơn 300 dự án]
Theo đó, Quốc hội Cuba tiếp tục khẳng định hệ thống chính trị một đảng do Đảng Cộng sản Cuba lãnh đạo và nhấn mạnh mô hình phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, mở cửa cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Quốc hội cũng tập trung thảo luận về vai trò đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc áp dụng công nghệ tiên tiến và bí quyết trong phát triển kinh tế, cũng như cải thiện hệ thống chính quyền địa phương.
Một trong những cải cách đáng chú ý được Quốc hội Cuba thông qua đó là việc ban hành khung pháp lý chính thức công nhận các doanh nghiệp tư nhân cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1959, doanh nghiệp tư nhân sẽ được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp nhà nước.
Nhà phân tích chính trị Cuba Rafael Hernandez cho rằng Cuba không vội vã theo đuổi nền kinh tế thị trường tự do, đó là một quá trình chuyển đổi từng bước một. Theo ông, việc Quốc hội thông quan văn kiện này là một dấu hiệu cho thấy Cuba sẽ tiến hành một công cuộc cải cách kinh tế và xã hội "sâu rộng" trong thời gian tới, đồng thời khẳng định "người dân Cuba đặt kỳ vọng rất lớn vào những văn kiện đã được thông qua" và sẵn sàng đón nhận những cải cách sắp diễn ra tại đất nước này./.