Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Raul Castro, vừa qua Hội đồng Bộ trưởng Cuba đã có cuộc thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2015, đồng thời thông qua đề cương chuẩn bị cho việc soạn thảo chương trình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2030.
Trong thông cáo về nội dung cuộc họp được các phương tiện truyền thông Cuba đăng tải ngày 21/5, Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Adel Yzquierdo Rodriguez cho biết chính phủ đã xem xét chủ trương chung và các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế trong năm tới trên cơ sở duy trì sở hữu xã hội đối với các phương tiện sản xuất cơ bản.
Ông Yzquierdo nêu rõ, kế hoạch kinh tế năm 2015 phải bảo đảm tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp hài hòa với phát triển phúc lợi xã hội cân đối và công bằng nhằm đưa Cuba đạt tới mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa có hiệu quả.
Trong cuộc họp, các thành viên Hội đồng Bộ trưởng cũng đã thảo luận và thông qua những phương hướng cơ bản của chương trình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2030, trong đó nhấn mạnh vấn đề sản xuất lương thực, điện, đầu tư và lưu thông hàng hóa.
Ngoài ra, việc tăng cường sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng và đảm bảo phát triển hướng nghiệp cũng được đặc biệt lưu ý.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Trưởng ban thường trực thực thi các chương trình phát triển, ông Marino Murillo Jorge, các chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong tương lai cần đưa ra các chỉ tiêu dài hạn, cụ thể và có tính định lượng, phải nêu được đường hướng chiến lược, nguồn tài chính, các mục tiêu, thuận lợi cần phát huy và khó khăn cần khắc phục để củng cố sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh và bền vững.
Phó Chủ tịch Murillo nhấn mạnh, kế hoạch đề ra phải đảm bảo khuyến khích phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy sáng tạo, đẩy mạnh áp dụng sáng kiến; đổi mới nguồn năng lượng thông qua việc tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo; khôi phục và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đất nước; bảo đảm tính bền vững trong phát triển dân số.
Nhân dịp này, Chính phủ Cuba cũng công bố chủ trương tái cơ cấu Bộ Du lịch và Bộ Giao thông vận tải, nhưng chưa có lộ trình cụ thể.
Đến nay, đã có 20 bộ và cơ quan ngang bộ ở Cuba nằm trong diện thực hiện tái cơ cấu với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.
Tháng Ba vừa qua, Quốc hội Cuba đã thông qua Luật đầu tư nước ngoài mới nhằm mục đích thu hút 2,5 tỷ USD mỗi năm thông qua hoạt động của các công ty nước ngoài hoặc liên doanh giữa các công ty nhà nước với công ty nước ngoài./.