Ngày 26/9, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và thủ lĩnh tối cao của nhóm Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londoño Echeverri đã ký kết thỏa thuận hòa bình, chấm dứt 52 năm xung đột ở nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu tại buổi lễ trang trọng diễn ra ở thành phố Cartagena, miền Bắc Colombia, Tổng thống Santos khẳng định ý nghĩa lịch sử của thỏa thuận được ký kết, mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn hòa bình ở quốc gia Nam Mỹ.
Ông tuyên bố nền dân chủ Colombia sẽ được củng cố với sự tham gia của FARC vào các hoạt động chính trị của đất nước và các bên cần phải tiếp tục nỗ lực trong tương lai để thực thi thỏa thuận đã đạt được và tái thiết đất nước.
Ông cũng cảm ơn các bên trung gian hòa giải, cộng đồng quốc tế đã đồng hành cùng Colombia trong quá trình đàm phán.
Ông Echeverri, hay còn biết đến với tên gọi Timochenko và Timoleón Jiménez, đã gửi lời xin lỗi “chân thành” tới tất cả các nạn nhân của cuộc xung đột bởi những nỗi đau mà FARC đã gây ra trong hơn 5 thập kỷ.
Ông khẳng định FARC sẽ tiếp tục “tham gia chính trường không bằng súng đạn”, đồng thời cam kết giải giáp vũ khí theo như thỏa thuận đã được ký kết. Ông cho rằng Colombia bắt đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa giải và xây dựng hòa bình.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của thỏa thuận được ký kết, chấm dứt hàng thập kỷ chiến tranh tại Colombia, đồng thời khẳng định thông qua con đối thoại và ngoại giao mọi cuộc xung đột có thể được giải quyết.
Ông nhấn mạnh Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ Colombia trong việc thực thi thỏa thuận và quá trình tái thiết đất nước. Theo ông Ban Ki-moon, phái bộ giám sát thực thi thỏa thuận hòa bình của Liên hợp quốc chính thức được triển khai ngay sau lễ ký.
Trước đó, ông Santos đã chủ trì buổi lễ vinh danh những đóng góp và sự hy sinh của lực lượng quân đội và cảnh sát nước này trong suốt 52 năm nội chiến ở Colombia. Một buổi lễ thánh cầu nguyện cho hòa bình cũng đã được tổ chức với sự tham gia của 13 nguyên thủ quốc gia, Tổng Thư ký Ban Ki-moon và 27 Ngoại trưởng.
Chính phủ Colombia cũng đã huy động hàng chục nghìn cảnh sát và binh sĩ quân đội đảm bảo an ninh cho lễ ký kết. Hơn 2.500 khách mời, 1.500 phóng viên trong và ngoài nước, gần 300 nạn nhân của cuộc chiến và 40 đại diện của gần 7.000 tay súng FARC đã tham dự buổi lễ.
Chính phủ Colombia và FARC đạt được thỏa thuận hòa bình hôm 24/8 sau gần 4 năm đàm phán tại Cuba. Văn bản dài gần 300 trang này sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 2/10 tới, và chỉ được thông qua khi có ít nhất 4,4 triệu phiếu ủng hộ, tương đương 13% số cử tri đăng ký của Colombia và phải cao hơn số phiếu phản đối.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người dân Colombia nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận nói trên.
Tuy nhiên, phe đối lập Colombia, gồm các cựu Tổng thống Andrés Pastrana và Alvaro Uribe, cầm đầu chiến dịch phản đối thỏa thuận bởi cho rằng các tay súng FARC sẽ không bị xét xử vì những tội ác mà họ đã gây ra và vấn đề mấu chốt là cuộc chiến chống ma túy đã không được giải quyết.
Việc đạt được thỏa thuận hòa bình với FARC có ý nghĩa quan trọng với nền hòa bình và sự ổn định ở Colombia mặc dù tới đây Chính phủ của Tổng thống Santos còn phải thúc đẩy hòa đàm với nhóm Quân đội giải phóng quốc gia Colombia (ELN), nhóm vũ trang lớn thứ hai tại nước Nam Mỹ sau FARC. Được thành lập hồi năm 1964, ELN hiện có khoảng 3.000 thành viên.
Theo thống kê, cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964 tại Colombia đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, làm 45.000 người mất tích và khoảng 6,9 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Ngày 26/9, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho biết EU đã quyết định "tạm thời loại" nhóm Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) ra khỏi cái gọi là "danh sách khủng bố".
Trong một tuyên bố, bà Mogherini nói rằng "quyết định này sẽ có hiệu lực ngay khi ký kết thỏa thuận hòa bình" (giữa Chính phủ Colombia và FARC) tại Colombia.
Quyết định trên sẽ cho phép việc tạm thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến sự hiện diện của FARC trong danh sách khủng bố, trong đó có lệnh đóng băng tài sản.
Cùng ngày, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santosvà thủ lĩnh tối cao FARC Rodrigo Londoño Echeverri đã chính thức ký kết thỏa thuận hòa bình, chấm dứt 52 năm xung đột ở nước này.
Việc đạt được thỏa thuận hòa bình với FARC có ý nghĩa quan trọng với nền hòa bình và sự ổn định ở Colombia mặc dù tới đây Chính phủ của Tổng thống Santos còn phải thúc đẩy hòa đàm với nhóm Quân đội giải phóng quốc gia Colombia (ELN), nhóm vũ trang lớn thứ hai tại nước Nam Mỹ sau FARC.
Theo thống kê, cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964 tại Colombia đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, làm 45.000 người mất tích và khoảng 6,9 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.