Ngày 25/11, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Colombia với nhóm Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) Juan Camilo Restrepo khẳng định sẵn sàng khởi động đối thoại nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện tại quốc gia Nam Mỹ.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Caracol, cựu Bộ trưởng Restrepo cho biết Chính phủ vẫn yêu cầu ELN phải trả tự do cho cựu nghị sỹ Odin Sanchez đang bị bắt làm con tin, để có thể bắt đầu đối thoại, đồng thời hối thúc nhóm này đưa ra bằng chứng cho thấy ông này vẫn còn sống.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Chính phủ và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) ký thỏa thuận hòa bình sửa đổi, chấm dứt 52 năm xung đột.
Chính phủ Colombia và ELN, lực lượng nổi dậy lớn thứ hai tại Colombia sau FARC, đã thỏa thuận ra mắt bàn đàm phán vào ngày 27/10 vừa qua tại thủ đô Quito, Ecuador.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Chính phủ Colombia hủy bỏ bởi cho rằng ELN đã không thực hiện cam kết thả ông Sanchez như đã thống nhất trước đó.
Nghị sỹ Sanchez bị ELN bắt giữ từ nửa năm nay sau khi ông này nộp mình thay cho em trai là cựu Thống đốc bang Choco Patrocinio Sanchez bị bắt cóc từ năm 2013 và ốm rất nặng.
Cùng ngày, liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Colombia diễn ra vào năm 2018, FARC tuyên bố sẽ ủng hộ ứng cử viên nào ủng hộ thỏa thuận hòa bình mới đạt được với chính phủ, qua đó loại trừ việc ủng hộ ông Alvaro Uribe, thủ lĩnh phe đối lập tại Colombia.
Phát biểu với báo giới, thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono khẳng định có khả năng một chính trị gia phản đối thỏa thuận có thể tìm cách thay đổi văn bản này sau khi đắc cử tổng thống.
Bên cạnh đó, ông Londono cũng cho hay chi tiết về kế hoạch chuyển đổi FARC từ một nhóm vũ trang sang chính đảng sẽ được công bố vào năm sau.
Cùng ngày, một ngày sau khi Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) ký kết thỏa thuận hòa bình sửa đổi, người dân nước này đã tỏ ra lạc quan thận trọng về tương lai của văn bản mới này, để có thể tiến tới việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhất trong lịch sử Nam Mỹ.
Sau khi thỏa thuận được ký kết, một bộ phận người dân Colombia bảo thủ vẫn tỏ ra không hài lòng.
Bởi cũng giống như thỏa thuận cũ, văn bản sửa đổi không bao gồm những điều khoản trừng phạt các thủ lĩnh FARC.
Đây là lần thứ hai Chính phủ và FARC ký thỏa thuận hòa bình sau khi thỏa thuận đầu tiên bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 2/10 vừa qua, buộc Chính phủ Colombia phải đưa những đề xuất của phe đối lập ra thương lượng lại với FARC.
Hôm 12/11 vừa qua, sau nhiều ngày đàm phán liên tục, Chính phủ Colombia và FARC đã đạt được một thỏa thuận hòa bình mới bao gồm 56 trong tổng số 57 điểm mà phe đối lập đề nghị.
Tới đây, thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết sẽ được Quốc hội Colombia xem xét thông qua.
Tuy nhiên, khác với thỏa thuận đạt trước đó, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos quyết định sẽ không tiến hành cuộc trưng cầu ý dân.
Người dân Colombia cùng với cộng đồng quốc đều hy vọng rằng trong tương lai gần, quốc gia Nam Mỹ này sẽ được sống trong hòa bình sau hơn 5 thập kỷ nội chiến đẫm máu, khiến 260.000 người thiệt mạng, 60.000 người mất tích và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.