Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Chính phủ Colombia Humberto de la Calle đã lên tiếng hối thúc Quốc hội nước này cần khẩn cấp luật hóa thỏa thuận hòa bình đã đạt được với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) hôm 12/11 vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trả lời phỏng vấn tờ El Tiempo ngày 20/11, ông De la Calle, cựu Tổng thống Colombia, khẳng định cần có cơ chế đặc biệt để thông qua thỏa thuận hòa bình bởi có tới 7.000 tay súng của FARC đang chờ quyết định cuối cùng để giải giáp vũ khí.
Ông cũng cho rằng cần có những giải pháp linh hoạt trong việc xét xử những người có trách nhiệm của cuộc xung đột vũ trang cũng như việc thực thi các chính sách khoan hồng, nhằm đạt được một nền hòa bình bền vững và dài lâu.
Cùng ngày, thủ lĩnh tối cao FARC Rodrigo Londoño cho biết lễ ký kết chính thức thỏa thuận hòa bình sẽ diễn ra trong những ngày tới. Về phần mình, Chính phủ Colombia cho biết chưa xác định cụ thể thời gian và địa điểm ký kết văn bản nói trên.
Trong khi đó, thủ lĩnh FARC Pablo Catatumbo, thành viên của FARC tham gia bàn đàm phán với Chính phủ tại La Habana trong suốt 4 năm qua, đã nêu bật tình trạng các thủ lĩnh nông dân và nhiều thành viên của tổ chức này liên tiếp bị sát hại trong những ngày qua.
Trên tài khoản Twitter, ông Catatumbo yêu cầu chính phủ ngay lập tức đảm bảo an ninh như đã thống nhất trong thỏa thuận hòa bình, áp dụng ngay những quy định đảm bảo an toàn cho nông dân và thành viên FARC. Theo ông, những gì đang diễn ra là những “tín hiệu tồi tệ.”
Theo các nhà quan sát tại chỗ, nhiều khả năng, các lực lượng bán vũ trang tại Colombia liên quan trực tiếp tới các vụ sát hại này.
Phái đoàn của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) tham gia trợ giúp tiến trình hòa đàm ở Colombia cũng bày tỏ quan ngại về việc 33 thành viên các tổ chức cộng đồng nông dân ở nước Nam Mỹ đã bị sát hại từ đầu năm tới nay.
Đặc biệt trong những ngày gần đây, các tổ chức này cùng cơ quan bảo vệ nhân quyền tố cáo 4 thủ lĩnh nông dân đã bị sát hại tại bang Caqueta, miền Nam Colombia.
Cuộc nội chiến tại Colombia trong suốt 52 năm qua giữa các lực lượng vũ trang, các nhóm bán vũ trang và quân đội Chính phủ đã làm 260.000 người thiệt mạng, 60.000 mất tích và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.