Chính phủ Colombia bắt đầu đàm phán với nhóm vũ trang Segunda Marquetalia

Chính phủ Colombia thời gian gần đây đã nỗ lực thúc đẩy đối thoại hòa bình với các nhóm vũ trang tại quốc gia Nam Mỹ này nhằm chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột kéo dài suốt 6 thập kỷ qua.

Cảnh sát điều tiết giao thông tại Bogota, Colombia. (Ảnh tư liệu: THX/TTXVN)
Cảnh sát điều tiết giao thông tại Bogota, Colombia. (Ảnh tư liệu: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 5/6, Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang Segunda Marquetalia-nhóm bất đồng chính kiến tách ra từ Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình sau khi ký cam kết đối thoại ở Caracas (Venezuela).

Trên mạng xã hội X, Văn phòng Ủy viên phụ trách Hòa bình Colombia cho biết thỏa thuận này gồm 9 điểm và nhằm thúc đẩy “những thay đổi sâu sắc và cải cách dân chủ” vì hòa bình của người dân và các vùng lãnh thổ của Colombia.

Theo Cam kết đối thoại, vòng đàm phán đầu tiên giữa Chính phủ Colombia và nhóm Segunda Marquetalia sẽ được tiến hành từ ngày 25-29/6 để thống nhất về các vấn đề cụ thể và thể thức đàm phán.

Hồi năm 2016, Chính phủ Colombia và FARC đã đạt được thỏa thuận hòa bình chấm dứt nửa thế kỷ xung đột giữa hai bên khiến 220.000 người thiệt mạng và 7 triệu người khác mất nhà cửa, song năm 2019, ông Iván Márquez-cựu chỉ huy số 2 của FARC tuyên bố "cầm vũ khí trở lại" với việc thành lập nhóm Segunda Marquetalia tập hợp khoảng 1.600 tay súng bất đồng chính kiến bên trong FARC.

Chính phủ Colombia thời gian gần đây đã nỗ lực thúc đẩy đối thoại hòa bình với các nhóm vũ trang tại quốc gia Nam Mỹ này nhằm chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột kéo dài suốt 6 thập kỷ qua.

Kể từ khi nhậm chức năm 2022, Tổng thống nước này Gustavo Petro đã tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) và nhóm vũ trang Estado Mayor Central (EMC), nhóm bất đồng chính kiến khác của FARC.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng tiến trình hòa bình do ông Petro khởi xướng đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó có tình trạng các nhóm vũ trang lợi dụng lệnh ngừng bắn với chính phủ để mở rộng ảnh hưởng, chiếm thêm địa bàn và tuyển mộ thành viên mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục