Chính phủ Canada đang tích cực xem xét việc tham gia AIIB

Canada đã phá vỡ sự im lặng về việc liệu họ có tham gia AIIB do Trung Quốc đứng đầu hay không khi tỏ ý rằng Ottawa đang tích cực xem xét việc tham gia ngân hàng mới này.
Chính phủ Canada đang tích cực xem xét việc tham gia AIIB ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: wsj.com)

Ngày 14/4, Canada đã phá vỡ sự im lặng về việc liệu họ có tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu hay không khi tỏ ý rằng Ottawa đang tích cực xem xét việc tham gia ngân hàng mới này, bất chấp sự dè dặt của Mỹ và Nhật Bản.

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Canada đã tiết lộ lập trường trên với báo giới trước thềm hội nghị của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Washington, khi nói rằng Ottawa hoan nghênh ý tưởng về một ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng mới của châu Á.

Quan chức yêu cầu giấu tên này cho biết chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper mong muốn đảm bảo chắc chắn rằng sự quản trị của AIIB đáp ứng được những tiêu chuẩn cao, được kỳ vọng đối với một thể chế như vậy và sẽ phải mất thời gian để cân nhắc rằng Canada có muốn gia nhập AIIB hay không.

Tháng trước, Vương quốc Anh đã khiến một số đồng minh ngạc nhiên khi quyết định tham gia AIIB. Quyết định của “xứ sở sương mù” ngay lập tức đã kéo theo một hiệu ứng dây chuyền với sự "nối gót" của lần lượt Đức, Pháp và Italy.

Như vậy, trong nhóm bảy nền kinh tế phát triển (G7) hiện chỉ có Mỹ, Nhật Bản và Canada là chưa tham gia AIIB. Washington đã thúc giục các quốc gia suy nghĩ kỹ trước khi tham gia thể chế được coi là đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) này, song hiện nay đã có hơn 40 quốc gia trở thành thành viên sáng lập của AIIB.

Quan chức Canada nói trên cũng cho biết G20 sẽ thảo luận về những rủi ro gia tăng của dao động hối đoái, trong đó có quan ngại về ảnh hưởng của việc đồng USD tăng giá đối với các thị trường đang nổi. G20 hiện vẫn cam kết không nhằm vào tỷ giá hối đoái vì các mục đích cạnh tranh, nhưng quan chức Canada nói rằng dường như các quốc gia không cố tình thao túng tỷ giá hối đoái, mà các đồng nội tệ đang dao động để phản ứng lại với những chính sách tiền tệ và các điều kiện kinh tế. Ví dụ như đồng euro đang giảm giá trị do chính sách nới lỏng định lượng và sự suy yếu kinh tế của châu Âu.

Liên quan đến Trung Quốc, một vấn đề nữa trong năm nay là mong muốn của Bắc Kinh trong việc bổ sung đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ , hiện gồm các đồng tiền dự trữ là đồng USD, yen, bảng Anh và euro, tạo nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Ban Giám đốc của IMF có kế hoạch đưa vấn đề trên ra thảo luận vào tháng Năm tới và đưa ra kết luận trong những tháng sau đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục