Chính phủ Canada bật đèn xanh cho 2 dự án xuất khí đốt sang châu Âu

Dự án Saint John LNG thuộc công ty Repsol SA và Goldboro LNG của công ty Pieridae Energy Ltd có thể bắt đầu vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu trong vòng 5 năm tới.
Một trạm xăng tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Canada đang "bật đèn xanh" cho hai công ty xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Bờ Đông sang châu Âu để giúp giải quyết những lo ngại về an ninh năng lượng ở "Lục địa Già," với điều kiện là các dự án này phải tuân thủ các mục tiêu khí hậu của Canada.

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada, ông Jonathan Wilkinson đã đề cập đến hai dự án được đánh giá là trong điều kiện thuận lợi nhất để có thể xuất khẩu LNG sang châu Âu, đó là Saint John LNG thuộc công ty Repsol SA và Goldboro LNG của công ty Pieridae Energy Ltd.

Theo ông Wilkinson, hai dự án này có thể bắt đầu vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu trong vòng 5 năm tới. Ông Wilkinson bày tỏ tin tưởng rằng các dự án LNG ở Bờ Đông có thể phù hợp với quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới một nền kinh tế sạch hơn, song ông cũng nhấn mạnh các dự án này sẽ phải giảm thiểu lượng khí thải trong nước sao cho phù hợp với kế hoạch khí hậu của Canada.

[Liên minh châu Âu và Mỹ thúc đẩy tăng sản lượng nhiên liệu toàn cầu]

Hiệp hội các nhà sản xuất dầu mỏ Canada (CAPP) đã hoan nghênh sự ủng hộ của Ottawa đối với tiềm năng xuất khẩu LNG của nước này.

Chủ tịch CAPP Lisa Baiton cho biết Canada có thể cung cấp cho các đồng minh nguồn năng lượng an toàn, bảo đảm và được phát triển có trách nhiệm trong nhiều thập kỷ tới, đồng thời giúp giảm lượng khí thải toàn cầu.

CAPP nhận định cả Bờ Tây và Bờ Đông của Canada đều có tiềm năng to lớn để xây dựng một ngành công nghiệp LNG.

Các vấn đề trên thị trường năng lượng của thế giới và khu vực đang bị chi phối bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và nguồn cung đang có sự thay đổi cơ bản khi các nước châu Âu nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm ngoái, Nga cung cấp gần 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU)./.

Tin cùng chuyên mục