Chính phủ các nước cần thận trọng với những đồng tiền “miễn phí”

Tại Mỹ, Anh, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản, trong năm 2020, các ngân hàng trung ương đã tạo ra nguồn dự trữ tiền mới trị giá khoảng 3.700 tỷ USD.
Chính phủ các nước cần thận trọng với những đồng tiền “miễn phí” ảnh 1Các phương tiện lưu thông trên một tuyến phố ở Milan, Italy ngày 4/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đã có ý kiến cho rằng chính phủ các nước đã "lãng phí" cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009 vì đã không xem xét lại chính sách kinh tế sau khi cuộc khủng hoảng này lắng xuống.

Tuy nhiên, lần này đại dịch COVID-19 đã dẫn đến một cuộc chạy đua giữa các nước trong việc đưa ra những chính sách mà chỉ một vài tháng trước là không tưởng hay bất thường.

Do đó, một sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong kinh tế học, sự thay đổi chỉ xảy ra một lần trong một thế hệ.

Tình hình hiện nay giống như vào những năm 1970 khi chủ nghĩa Keynes thân thiện nhường chỗ cho biện pháp kiểm soát tiền tệ chặt chẽ của Milton Friedman và trong những năm 1990 khi các ngân hàng trung ương được trao quyền độc lập.

Do đó, đại dịch này đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Mối bận tâm chính hiện nay là làm thế nào để khai thác các cơ hội và kiềm chế những rủi ro xuất phát từ việc nhà nước can thiệp quá mức vào nền kinh tế và thị trường tài chính.

Theo tạp chí The Economist (Anh), kỷ nguyên mới này có bốn đặc tính.

Thứ nhất là quy mô vay mượn đáng kinh ngạc của chính phủ và khả năng vay thêm dường như vô hạn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo trong năm nay các nước giàu sẽ vay 17% tổng GDP để tài trợ cho các khoản chi tiêu và cắt giảm thuế trị giá 4.200 tỷ USD nhằm duy trì nền kinh tế hoạt động.

Chưa dừng ở đó, tại Mỹ, Quốc hội đang thảo luận về một gói chi tiêu khác và Liên minh châu Âu (EU) vừa thống nhất về chương trình kích thích mới được tài trợ bằng quỹ phục hồi kinh tế chung.

[Mỹ: Doanh nghiệp giàu cũng được lợi từ chương trình hỗ trợ tiền lương]

Đặc tính thứ hai là hoạt động không ngừng nghỉ của các máy in tiền. Tại Mỹ, Anh, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản, trong năm 2020, các ngân hàng trung ương đã tạo ra nguồn dự trữ tiền mới trị giá khoảng 3.700 tỷ USD.

Phần lớn khoản dự trữ này đã được sử dụng để mua nợ chính phủ, có nghĩa là các ngân hàng trung ương đang ngầm tài trợ cho việc kích thích kinh tế. Kết quả là lãi suất dài hạn vẫn ở mức thấp ngay cả khi nợ công tăng vọt.

Vai trò ngày càng tăng của nhà nước với tư cách là người phân bổ vốn là đặc tính thứ ba của kỷ nguyên mới này.

Để tránh một cuộc khủng hoảng tín dụng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phối hợp với Bộ Tài chính Mỹ can dự vào các thị trường tài chính khi mua trái phiếu của AT&T, Apple và thậm chí là Coca-Cola và trực tiếp cung cấp khoản vay cho mọi người, từ các đại lý trái phiếu đến các bệnh viện phi lợi nhuận.

Fed và Bộ Tài chính đang hỗ trợ 11% tổng nợ của doanh nghiệp Mỹ. Trên khắp thế giới giàu có, các chính phủ và các ngân hàng trung ương cũng đang làm như vậy.

Đặc tính cuối cùng và quan trọng nhất là lạm phát thấp. Việc không có áp lực tăng giá có nghĩa là không cần phải giảm tốc độ tăng của bảng cân đối của ngân hàng trung ương hoặc tăng lãi suất ngắn hạn từ mức sàn khoảng 0%.

Do đó, lạm phát thấp là lý do cơ bản để không phải lo lắng về nợ công, nhờ chính sách tiền tệ có tính hỗ trợ, giờ đây chi phí vay nợ thấp đến mức mà đây giống như tiền "miễn phí."

Theo giới quan sát, có lẽ không nên cho rằng vai trò của nhà nước sẽ trở lại bình thường một khi đại dịch qua đi và thất nghiệp giảm xuống.

Chính phủ và ngân hàng trung ương đúng là đã có thể cắt giảm chi tiêu và tăng cường cứu trợ, song kỷ nguyên mới của kinh tế học phản ánh đường đi của các xu hướng dài hạn.

Ngay cả trước đại dịch, lạm phát và lãi suất đã thấp dù việc làm bùng nổ. Ngày nay, thị trường trái phiếu vẫn không thể hiện dấu hiệu lo ngại nào về lạm phát dài hạn. Nếu đúng, thâm hụt ngân sách và in tiền có thể trở thành các công cụ tiêu chuẩn cho việc hoạch định chính sách trong nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, vai trò ngày càng tăng trên các thị trường tài chính của ngân hàng trung ương phản ánh sự trì trệ của các ngân hàng với tư cách là trung gian và vai trò suy yếu của các ngân hàng và thị trường vốn.

Trước đây, khi các ngân hàng thương mại thống trị, các ngân hàng trung ương đóng vai trò là người cho vay cuối cùng đối với các ngân hàng thương mại. Bây giờ, các ngân hàng trung ương ngày càng phải can thiệp vào Phố Wall và các nơi khác bằng cách đóng vai trò là “những người thiết lập thị trường cuối cùng.”

Một nhà nước với sự can thiệp thường xuyên và sâu rộng vào toàn bộ nền kinh tế có thể tạo ra một số cơ hội. Lãi suất thấp giúp chính phủ có thể vay với giá rẻ hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng mới, từ các phòng thí nghiệm đến các mạng lưới truyền tải điện, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các mối đe dọa như đại dịch và biến đổi khí hậu.

Khi xã hội già đi, chi tiêu cho y tế và hưu trí gia tăng là điều không thể tránh khỏi, nếu thâm hụt ngân sách giúp cung cấp sự kích thích cần thiết cho nền kinh tế, càng có nhiều lý do để thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, kỷ nguyên mới này cũng đặt ra những nguy cơ nghiêm trọng. Nếu lạm phát bất ngờ tăng, toàn bộ cấu trúc nợ sẽ rung chuyển vì các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất và do đó sẽ phải chi trả một khoản tiền lãi lớn cho khoản dự trữ mới mà họ đã tạo ra để mua trái phiếu.

Và ngay cả khi lạm phát ở mức thấp, cơ chế mới vẫn dễ bị các nhà vận động hành lang, công đoàn và cơ quan khác lợi dụng.

Một trong những biện pháp thúc đẩy sự lưu thông tiền tệ nhằm ổn định nền kinh tế là việc quản lý kinh tế vĩ mô mở rộng, song điều này tạo ra nhiều "kẽ hở" để các chính trị gia thể hiện sự thiên vị. Họ quyết định những công ty nào được giảm thuế và người công nhân nào được nhà nước trợ cấp.

Một số khoản vay dành cho khu vực tư nhân sẽ sớm trở thành nợ xấu khiến các chính phủ phải lựa chọn cho công ty nào phá sản. Khi tiền là miễn phí, tại sao không giải cứu các công ty, bảo vệ những công việc lỗi thời và cứu các nhà đầu tư?

Tuy nhiên, mặc dù điều đó sẽ cung cấp sự kích thích thoáng qua, nhưng đó là cách làm cho các thị trường bị bóp méo và tăng trưởng thấp. Lo ngại với sự thiển cận của các chính trị gia chính là lý do tại sao nhiều quốc gia giao quyền độc lập cho các ngân hàng trung ương.

Các ngân hàng trung ương sử dụng một công cụ duy nhất và đơn giản là lãi suất để quản lý chu kỳ kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất, ngày nay gần bằng 0, dường như không hiệu quả và các ông chủ điều hành các ngân hàng trung ương trở nên giống như những người làm việc cho cơ quan quản lý nợ của chính phủ.

Mỗi kỷ nguyên kinh tế mới đối mặt với một thách thức mới. Sau những năm 1930, nhiệm vụ là ngăn chặn suy thoái. Trong những năm 1970 và đầu 1980, mục tiêu là chấm dứt tình trạng lạm phát.

Ngày nay, nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách là tạo ra một khuôn khổ cho phép quản lý chu kỳ kinh doanh và giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính mà không cần chính trị hóa nền kinh tế.

Điều này có thể liên quan đến việc ủy quyền vũ khí tài khóa cho các nhà kỹ trị hoặc cải cách hệ thống tài chính để cho phép các ngân hàng trung ương đưa lãi suất về mức âm sâu, khai thác sự thay đổi mang tính cách mạng trong việc người tiêu dùng từ bỏ ngân hàng kiểu cũ sang thanh toán kỹ thuật số và công nghệ tài chính.

Những nguy cơ là rất cao, kỷ nguyên của tiền miễn phí đến cùng với một cái giá kinh ngạc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục