Ngày 4/6, Chính phủ Burundi đã kêu gọi một cuộc đối thoại "thẳng thắn và xây dựng" với phe đối lập, lực lượng đã tiến hành các cuộc biểu tình trong những tuần qua nhằm phản đối quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 của Tổng thống Pierre Nkurunziza.
Cố vấn thông tin cấp cao của Tổng thống Nkurunziza, ông Willy Nyamitwe nêu rõ mặc dù quyết định ra tranh cử của Tổng thống đã không được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh các nước Cộng đồng Đông Phi (EAC), diễn ra tại Tanzania ngày 31/5 vừa qua, song đây không phải là vấn đề cấm kỵ.
Ông Nyamitwe hối thúc phe đối lập tham gia một cuộc đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có thể tiến hành bầu cử.
Ông Nyamitwe cũng cho hay Tổng thống Nkurunziza đã ký sắc lệnh hoãn cuộc bầu cử quốc hội, đáng lẽ diễn ra ngày 5/6, song chưa công bố khi nào sẽ tổ chức cuộc bầu cử này do Ủy ban bầu cử đề xuất một số phương án.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Burundi Edouard Nduwimana thông báo các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này sẽ được nối lại vào ngày 15 hoặc 16/5 tới.
Các bên tham gia đối thoại sẽ thảo luận về những vấn đề đã không đạt được nhất trí trong hội nghị EAC cuối tuần qua, trong đó có quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Nkurunziza và việc chấm dứt các cuộc biểu tình phản đối.
Đối thoại sẽ được nối lại dưới sự ủng hộ của Phái bộ giám sát bầu cử của Liên hợp quốc tại Burundi (MENUB), Liên minh châu Phi (AU), EAC và Hội nghị quốc tế về khu vực Hồ Lớn (ICGLR).
Cùng ngày, thủ lĩnh phe đối lập Agathon Rwasa đã bày tỏ mong muốn được tham gia công tác chuẩn bị cho lịch trình bầu cử mới. Theo ông Rwasa, việc chuẩn bị cho lịch trình bầu cử mới không phải là vấn đề của riêng Chính phủ Burundi, mà là của tất cả các bên tham gia vào tiến trình bầu cử.
Ông Rawansa nhấn mạnh chỉ có tham vấn mới tìm ra giải pháp cho các thách thức, đồng thời bác bỏ thông tin rằng ông đã rút khỏi lộ trình bầu cử mà chỉ tuyên bố không thể tham gia vào một cuộc bầu cử "giả dối."
Trong một diễn biến khác ngày 4/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tiếp tục kêu gọi các bên tại Burundi bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời bày tỏ quan ngại về khả năng bạo lực leo thang ở nước này.
Ông hối thúc các bên liên quan tại Burundi nối lại đối thoại tham vấn chính trị dưới sự bảo trợ của Đặc phái viên Liên hợp quốc tại vùng Hồ Lớn châu Phi Said Djinnit.
Cả Tổng thư ký và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều kêu gọi các bên nhanh chóng triển khai các biện pháp để tạo điều kiện tổ chức các cuộc bầu cử hòa bình, đáng tin cậy, trong đó có việc giải giáp vũ khí đối với các nhóm thanh niên vũ trang liên minh với các đảng phái chính trị.
Tình hình Burundi rối ren kể từ khi Tổng thống Nkurunziza ngày 25/4 vừa qua tuyên bố sẽ tái tranh cử. Phe đối lập đã phát động các cuộc biểu tình phản đối ông Nkurunziza tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, cho rằng việc này trái với hiến pháp quy định tổng thống không giữ quá hai nhiệm kỳ.
Đụng độ bạo lực giữa lực lượng an ninh và người biểu tình đến nay đã làm hơn 30 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương./.