Chính phủ Bỉ thông qua 6 biện pháp chống khủng bố

Chính phủ Bỉ đã thông qua 6 trong tổng số 18 biện pháp mà Thủ tướng Charles Michel đưa ra sau loạt vụ khủng bố ở Paris đêm 13/11 khiến 130 người thiệt mạng.
Binh sỹ Bỉ tuần tra tại thủ đô Brussels ngày 22/11. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Chính phủ Bỉ hôm 11/12 đã thông qua 6 trong tổng số 18 biện pháp mà Thủ tướng Charles Michel đưa ra sau loạt vụ khủng bố ở Paris đêm 13/11 khiến 130 người thiệt mạng.

Nhóm ba biện pháp thứ nhất bao gồm áp dụng hệ thống dữ liệu hành khách hàng không (PNR) của châu Âu để so sánh dữ liệu hành khách và các thông tin mà nhà chức trách có được liên quan đến một số đối tượng khủng bố hoặc các nghi can.

Biện pháp thứ hai là chấm dứt sử dụng thẻ điện thoại trả trước vô danh. Tất cả mọi người khi mua thẻ điện thoại đều phải khai danh tính và các thẻ này sẽ liên kết với người sở hữu.

Biện pháp thứ ba liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp nhằm cho phép kéo dài thời hạn tạm giam đến 72 giờ đối với đối tượng có dính líu tới khủng bố.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng thông qua ba biện pháp chống khủng bố khác như triển khai ngân hàng dữ liệu về chiến binh nước ngoài, có thể tiến hành khám xét tại gia 24/24 giờ, tăng cường sử dụng công nghệ đặc biệt trong truy lùng đối tượng tình nghi khủng bố.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Koen Geens, một cơ sở dữ liệu chung về chiến binh nước ngoài sẽ cho phép thông tin tập trung vào một nơi và chia sẻ mọi thông tin cũng như tin tức tình báo về những đối tượng này mà cơ quan tình báo và cảnh sát có được.

Ngân hàng dữ liệu sẽ được nhiều cơ quan cung cấp thông tin trong đó có Cơ quan an ninh quốc gia (OCAM), Cơ quan tình báo quân đội hoặc Đơn vị xử lý tình báo tài chính (CTIF) và các nhà tù, chủ yếu là dữ liệu liên quan đến công dân Bỉ hoặc những người sống ở Bỉ nhưng đã tới khu vực chiến sự của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bên cạnh đó, những người bị cấm không được tới những khu vực này hoặc có những dấu hiệu muốn tới vùng chiến sự của IS cũng được đưa vào ngân hàng dữ liệu.

Ngoài ra, các tổ chức xã hội cũng có thể chia sẻ thông tin với nhà chức trách, qua đó, chính phủ sẽ có thông tin về cá nhân, một số yếu tố hoàn cảnh, đánh giá cá nhân về mức độ đe dọa để có biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an ninh cho xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục