Chính phủ Australia tài trợ 14 triệu USD để nghiên cứu đất hiếm

Australia đang nỗ lực tạo dựng vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp đất hiếm Trung Quốc.
Các bao chứa đất hiếm được tập kết tại Mount Weld, thành phố Perth, để chờ chuyển đến Malaysia năm 2019. (Ảnh Reuters)

Ngày 8/1, Bộ Tài nguyên Australia cho biết chính phủ nước này sẽ dành gần 22 triệu AUD (14 triệu USD) cho hoạt động nghiên cứu đất hiếm và khoáng sản quan trọng trong bối cảnh Canberra tham vọng trở thành nhà cung cấp năng lượng sạch toàn cầu.

Khoản kinh phí trên được phân bổ cho 3 dự án của các tổ chức nghiên cứu thuộc Chính phủ Australia. Cụ thể, 14 triệu AUD cho Tổ chức Khoa học và công nghệ hạt nhân Australia (ANSTO) để nghiên cứu đẩy mạnh phát hiện, khai thác và xử lý đất hiếm từ các mỏ có hàm lượng đất hiếm thấp.

Ngoài ra, 5 triệu AUD dành cho Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học khối thịnh vượng chung (CSIRO) để phát triển công nghệ hỗ trợ các ngành khai thác kim loại gồm lithium, vonfram và đất hiếm.

2,7 triệu AUD cấp cho cơ quan Khoa học địa chất Australia để nghiên cứu phát triển ngành gali, germani và indium.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên Madeleine King, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Australia cần nghiên cứu phát triển hơn nữa quy trình xử lý đất hiếm và khoáng sản quan trọng đồng thời khuyến khích sản xuất thành phần thiết bị cho các công nghệ sạch như xe điện, pin và tuabin gió.

Bộ trưởng Madeleine King nhấn mạnh các dự án trên hỗ trợ cho Chiến lược khoáng sản quan trọng của Australia và tham vọng trở thành nhà cung cấp năng lượng sạch toàn cầu của nước này.

Trước đó vài tuần, thị trường xuất hiện nhiều lo ngại về nguồn cung sau khi Trung Quốc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm trong động cơ xe điện và tuabin gió.

Khoản đầu tư cho nghiên cứu đất hiếm nói trên nằm trong hoạch định của Chính phủ Australia dành hàng tỷ USD nhằm tạo dựng vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhà cung cấp đất hiếm Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, sẽ rất khó bắt kịp các nhà cung cấp Trung Quốc vì nước này chiếm tới 70% nguồn cung đất hiếm toàn cầu, 85% đất hiếm đã qua xử lý và 90% nam châm từ đất hiếm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục