Hội đồng Chống biến đổi khí hậu Australia cảnh báo rằng Australia sẽ bị gạt ra bên lề nếu không cùng các nước đẩy mạnh đối phó với biến đổi khí hậu.
Đây là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo ''Nửa chặng đường tới Paris: Thế giới hành động thế nào đối với biến đổi khí hậu," vừa được công bố.
Theo báo cáo, Australia là một trong những nước có lượng khí thải lớn nhất tính theo đầu người và là nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đứng thứ 13 trong tổng số 182 nước trên thế giới.
Để đạt mức khí thải thấp nhất và đẩy mạnh đối phó với biến đổi khí hậu cùng với các nước khác như Mỹ, Trung Quốc và một số nước ở châu Âu, Australia phải đặt mục tiêu giảm lượng khí thải từ 40-60% vào năm 2030. Có nghĩa là để góp phần vào việc đối phó với thách thức biến đổi khí hậu, quá trình cắt giảm lượng khí thải nhà kính "phải nhanh hơn và nhiều hơn."
Ở Australia, với mức nhiệt tăng 0,9 độ C, số ngày nắng nóng đã tăng gấp đôi trong vòng 50 năm qua, các đợt nắng nóng cũng kéo dài hơn và nóng hơn. Nóng và khô hơn là nguyên nhân chính dẫn tới cháy rừng, tăng nguy cơ cháy rừng ở mức nguy hiểm trong khi các khu vực ven biển của Australia dễ bị lũ lụt.
Theo kế hoạch, Chính phủ của Thủ tướng Tony Abbott sẽ đưa ra mục tiêu cắt giảm khí thải vào cuối tháng này tại Hội nghị khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, trước khi diễn ra Hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris vào cuối năm nay.
Ông Abbott đã cam kết Chính phủ Australia sẽ xây dựng chương trình hành động mạnh mẽ và đáng tin cậy trong việc giảm lượng khí thải vốn đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua./.