Ngày 4/9, Thượng viện Argentina thông qua dự luật cho phép chính phủ quy định giá và sản lượng để đối phó với tình trạng gia tăng lạm phát vốn đã ở mức trên 30%.
Theo quy định, dự luật phải nhận được sự tán thành của Hạ viện trước khi chính thức trở thành luật.
Theo dự luật, chính phủ được phép ấn định biên độ lợi nhuận, giá tham chiếu, giá sàn và giá trần đối với các mặt hàng và dịch vụ thiếu yếu. Nếu được thực thi, dự luật sẽ được áp dụng với các doanh nghiệp lớn mà không áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn “không có vai trò chi phối thị trường.”
Dự luật cũng cho phép chính phủ trừng phạt các doanh nghiệp nếu để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá cả tăng mạnh.
Dự luật được Tổng thống Cristina Fernandez ủng hộ, song vấp phải sự phản đối dữ dội từ các doanh nghiệp tư nhân. Đại diện các doanh nghiệp tư nhân đe dọa nếu dự luật này được thông qua, họ sẽ khởi kiện với lý do đây là văn kiện vi hiến.
Cùng ngày, trong một động thái nhằm chống lại phán quyết của tòa án Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng thanh toán nợ giữa Argentina với hai quỹ đầu tư Mỹ, Thượng viện Mexico đã thông qua dự luật cho phép chính phủ chuyển địa điểm thanh toán nợ cho các chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu từ New York về Buenos Aires hoặc Paris.
Dự luật được soạn thảo nhằm mục đích giúp Argentina tránh lệnh phong tỏa của tòa án Mỹ. Trước đó, tòa án Mỹ cấm một ngân hàng ở New York thực hiện giao dịch chuyển tiền của Argentina cho các chủ nợ tham gia tái cơ cấu nợ nếu Buenos Aires chưa thanh toán 1,3 tỷ USD tiền nợ và tiền lãi cho hai quỹ đầu tư của Mỹ là NML Capital và Aurelius Capital Management.
Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof cho biết dự luật chuyển địa điểm thanh toán nợ được xây dựng nhằm hiện thực mong muốn của Buenos Aires trong việc hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho các đối tác.
Tuy nhiên, phản ứng trước động thái trên của Argentina, các chủ nợ tuyên bố sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý nhằm buộc các chủ nợ nhận tiền của Argentina ra hầu tòa. Với bệ đỡ là phán quyết của tòa án Mỹ, NML Capital hiện đang xúc tiến hoạt động tìm kiếm tài sản của chính phủ Argentina trên toàn thế giới để có thể truy thu số nợ.
Tuần trước, quỹ kền kền này cũng đã đòi 18 ngân hàng ra hầu tòa sau khi lần theo đường đi của khoản tiền 65 triệu USD do Argentina chuyển đi. Trước đó nữa, NML Capital yêu cầu 123 công ty ở Nevada phải ra trình diện trước tòa vì bị nghi có liên quan đến việc giữ tiền cho Argentina.
Trong phán quyết ngày 11/8, một thẩm phán cấp sơ thẩm ở Nevada đã ký lệnh buộc các đại diện của 123 công ty phải hợp tác với tiến trình điều tra của NML.
Argentina cáo buộc các động thái trên là một phần trong âm mưu của NML Capital và một số chủ nợ nhằm làm suy yếu chính phủ đương nhiệm./.