Chính phủ Anh xem xét điều chỉnh mức tính học phí đại học

Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds mới đưa ra đề xuất cải cách học phí đại học ở nước này nên được tính theo mức độ bằng cấp.
Chính phủ Anh xem xét điều chỉnh mức tính học phí đại học ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: British Council)

Học phí đại học nên được tính theo mức độ bằng cấp đó hỗ trợ cho sự nghiệp tương lai của sinh viên.

Đây là một phần trong kế hoạch cải cách mà Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn tờ Times, số ra ngày 18/5.

Bộ trưởng Hinds bày tỏ mong muốn xây dựng một hệ thống giáo dục, trong đó mức học phí đại học được đánh giá dựa trên giá trị thực tiễn của khóa học đối với sinh viên. Theo ông, học phí của những khóa học về nghệ thuật và khoa học xã hội nên giảm xuống do chúng không hỗ trợ nhiều cho việc thúc đẩy sự nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Bộ trưởng Hinds cho biết trong hệ thống giáo dục của Anh, hầu hết các trường và các khóa học đều có mức phí giống nhau. Tuy nhiên, lợi ích vật chất mà những khóa học mang lại cho các sinh viên khác nhau, từ đây đặt ra câu hỏi về cách thức vận hành của hệ thống này.

Theo kế hoạch của bộ trưởng, trong tương lai, học phí đại học của Anh nên được quyết định dựa trên sự kết hợp của 3 tiêu chí: mức chi phí trường đại học bỏ ra để tổ chức khóa học, lợi ích khóa học mang lại cho sinh viên cũng như lợi ích cho đất nước và nền kinh tế.

Kế hoạch mới cũng khuyến khích các trường đại học Anh xây dựng thêm các chương trình học trong 2 năm cũng như các khóa học từ xa để sinh viên có thể học tại nhà và giảm học phí.

Kế hoạch trên của Bộ trưởng Giáo dục Anh được đưa ra một tuần trước chính phủ công bố một báo cáo đánh giá về nguồn tài chính của các đại học.

Các chuyên gia cho rằng báo cáo sẽ đề cập đến các vấn đề như cắt giảm hoặc duy trì mức học phí, ước tính lên đến 9.250 bảng Anh mỗi năm tại các trường đại học Anh, cũng như lãi suất của các khoản vay học phí, hiện lên đến 6,1%.

Báo cáo này được tiến hành theo cam kết của Thủ tướng Anh Theresa May giữa lúc dư luận nước này bùng lên tranh luận về vấn đề tài chính của các trường đại học, bao gồm nợ của sinh viên cũng như liệu sinh viên có thu được lợi ích kinh tế từ các khóa học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục