Tối 14/11, Chính phủ Anh đã vượt qua cuộc bỏ phiếu đầu tiên về các sửa đổi dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là dự luật Brexit.
Chính phủ thiểu số của Thủ tướng Theresa May đã thắng trong cuộc bỏ phiếu hủy bỏ đề xuất sửa đổi của các nghị sỹ vùng Scotland và xứ Wales, theo đó trao quyền bỏ phiếu phủ quyết cho các cơ quan có thẩm quyền của Anh đối với mọi thỏa thuận Brexit cuối cùng. Các nghị sỹ cũng đã bỏ phiếu giữ lại điều khoản mở về thổ dân, bãi bỏ Luật Cộng đồng châu Âu năm 1972 - văn kiện từng đưa Anh gia nhập khối này.
Đây là cuộc bỏ phiếu về đề xuất sửa đổi đầu tiên. Chính phủ của Thủ tướng May được cho là sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất bại trong nhiều cuộc bỏ phiếu sửa đổi tiếp theo. Theo kế hoạch, trong nhiều tuần tới, các nghị sỹ sẽ thảo luận tới 470 điểm đề nghị sửa đổi, dài 186 trang, trước khi dự luật Brexit được thông qua thành luật.
Trước đó cùng ngày, các nghị sỹ đã thảo luận về thời điểm chính xác dự luật này có hiệu lực. Chính phủ Anh đề xuất dự luật này bắt đầu áp dụng từ lúc tức 23 giờ GMT ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, Quốc hội chưa tiến hành bỏ phiếu về việc này.
[Hạ viện Anh bắt đầu tiến hành thảo luận dự luật rút khỏi EU]
Trong khi đó, một số nghị sỹ đảng Bảo thủ của Thủ tướng May phản đối ấn định bất cứ thời hạn nào trong dự luật Brexit, cho rằng điều này sẽ "trói tay" chính phủ trong các cuộc thương lượng với EU. Anh đã "kích hoạt" điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quãng thời gian hai năm trước khi chính thức rời khỏi EU theo dự kiến vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, hạn chót này hoàn toàn có thể được kéo dài thêm nếu 28 thành viên EU (bao gồm cả Anh) nhất trí.
Cũng trong ngày 14/11, các nghị sỹ đã thảo luận về một sửa đổi của Công đảng nhằm kéo dài quyền tài phán của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit hai năm sau ngày 29/3/2019.
Sau khi thảo luận thông qua tại Hạ viện, dự luật Brexit sẽ được trình Thượng viện Anh để các thượng nghị sỹ cho ý kiến, xem xét lại lần nữa, sau đó sẽ trình lên Nữ hoàng ký ban hành thành luật./.