Trung tâm Quốc gia về nghiên cứu xã hội (NatCen) ngày 16/11 công bố kết quả thăm dò dư luận cho biết đa số người dân Anh vừa muốn áp đặt những biện pháp cứng rắn nhằm kiểm soát nhập cư, vừa muốn nền kinh tế nước này tiếp tục ở lại thị trường chung châu Âu.
Điều đó cho thấy Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi hoạch định và triển khai chiến lược đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Theo phóng viên TTXVN tại London, trong tổng số 1.400 người tham gia cuộc khảo sát của NatCen từ ngày 22/9 đến 24/10 vừa qua, 85% người được hỏi bày tỏ mong muốn chính phủ kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn thời kỳ hậu Brexit, trong khi có đến 9/10 người lại nhấn mạnh sự cần thiết phải ở lại thị trường chung châu Âu để cứu vãn nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, nếu buộc phải chọn một trong hai ưu tiên này, những người tham gia khảo sát ngả sang việc kiểm soát nhập cư nhiều hơn việc ở lại thị trường chung, với tỷ lệ chênh lệch sít sao 51% và 49%.
Cũng theo NatCen, gần 2/3 cử tri Anh cho rằng các công ty nước này nên tiếp tục áp dụng những quy định của EU về mẫu mã thiết kế và tiêu chuẩn an toàn đối với sản phẩm hàng hóa.
Vấn đề nhập cư và thị trường chung hiện là hai thách thức chủ yếu mà Thủ tướng Theresa May phải vượt qua.
Nói cách khác, Chính phủ Anh cần có biện pháp để đảm bảo việc siết chặt nhập cư sẽ không đẩy nền kinh tế nước này "xuống dốc."
Quyền tự do di chuyển của lao động cũng được xác định là một yếu tố chủ chốt của thị trường chung châu Âu.
Nhiều nhà lãnh đạo EU khẳng định đây là điều không cần phải thảo luận nếu Anh muốn tiếp cận toàn diện với thị trường chung.
Trong khi đó, Chính phủ Anh vẫn tin tưởng rằng họ hoàn toàn có thể cân đối được giữa vấn đề nhập cư và thị trường chung.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup), ông Jeroen Dijsselbloem đã bác bỏ quan điểm cho rằng nước Anh vẫn có thể duy trì việc tự do tiếp cận thị trường chung châu Âu khi không thực hiện nghĩa vụ đối với vấn đề người di cư vào EU.
Ông Dijsselbloem cũng cảnh báo thời gian tiến hành các cuộc đàm phán đưa Anh rời khỏi "ngôi nhà chung" ước tính sẽ mất nhiều hơn 2 năm.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trả lời phỏng vấn nhật báo Séc Hospodarske Noviny, trong đó ông cho biết Xứ sở sương mù có thể sẽ phải rời khỏi liên minh thuế quan của EU, nhưng vẫn sẽ có quyền áp dụng quy chế tự do thương mại với các nước thành viên trong liên minh này.
Trước đó, tại một buổi hội thảo ngành ngân hàng, Chủ tịch Eurogroup Dijsselbloem nhấn mạnh Brexit là điều gây thiệt hại cho cả Anh và EU, bời nền kinh tế của Xứ sở sương mù và nền kinh tế của liên minh này sẽ đều "rơi vào tình trạng tiêu cực hơn" sau khi Anh rời EU./.