Ngày 26/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi giới nông dân nước này nâng cao sản lượng đậu lăng và các loại hạt chứa dầu nhằm giảm bớt hoạt động nhập khẩu các mặt hàng này, hiện đang rất đắt đỏ.
Lời kêu gọi trên của ông Modi cũng nhằm giúp các vùng nông thôn nghèo tại Ấn Độ cải thiện đời sống vốn quá khó khăn, nguyên nhân khiến nhiều người nông dân quay ra phản đối chính quyền vừa tròn 1 năm tuổi do ông đứng đầu.
Tình cảnh của người nông dân Ấn Độ ngày càng trở nên khốn khó khi họ liên tục phải đối mặt với những cơn mưa trái mùa và mưa đá, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa màng. Giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của người nông dân, vốn chiếm 70% dân số Ấn Độ, cũng sẽ sụt giảm theo.
Ông Modi nói: "Chúng ta phải chi quá nhiều tiền cho việc nhập khẩu đậu lăng và dầu ăn. Bởi vậy, chúng ta phải quyết tâm nâng cao sản lượng nhằm tự cung tự cấp các mặt hàng này trong vòng 10 năm tới."
Ấn Độ là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất ngũ cốc, bông và đường. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu dầu ăn và đậu lăng của nước này lần lượt chiếm 10 tỷ USD và 2 tỷ USD mỗi năm. Đáng chú ý, dầu thực vật là mặt hàng nhập khẩu nhiều thứ ba của Ấn Độ sau dầu mỏ và vàng.
Nhằm giúp người nông dân cải thiện năng suất cây trồng, Thủ tướng Modi đã đề nghị các nhà khoa học phối hợp chặt chẽ với nhà nông để tạo ra những phương pháp mới, những loại giống mới có năng suất cao.
Theo một thông tin có liên quan, Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) đang dự định tiếp tục cắt giảm tỷ lệ lãi suất chủ chốt trong vài tháng tới, giữa bối cảnh tỷ lệ lạm phát của nước này được cho là vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
Theo Arvind Subramanian, cố vấn kinh tế của Chính phủ Ấn Độ, nguồn dự trữ lương thực thực phẩm phù hợp đã góp phần kiềm chế lạm phát tại quốc gia Nam Á này, ngay cả khi mùa mưa năm nay, nhân tố rất cần thiết cho sự phát triển của cây trồng trên khắp cả nước, không được như mong đợi.
RBI đánh tiếng rằng quyết định cắt giảm lãi suất có thể sẽ được đưa ra vào cuộc họp chính sách ngày 2/6 tới khi trong tháng Tư lạm phát giá bán buôn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục -2,65% và lạm phát giá bán lẻ giảm xuống 4,87%, mức thấp nhất trong vòng bốn năm.
RBI đã hạ lãi suất hai lần kể từ đầu năm nay nhằm thúc đẩy họat động cho vay đối với các doanh nghiệp, qua đó kích thích sức tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho hàng triệu lao động trẻ tuổi./.