Chính phủ Ấn Độ áp đặt thêm các hạn chế đối với xuất khẩu gạo

Giá gạo tại châu Á tăng mạnh lên mức cao nhất trong gần 15 năm vào đầu tháng này và có thể tăng cao hơn, làm tăng chi phí của các nước nhập khẩu như Philippines và một số quốc gia khác trong khu vực.
Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã áp đặt thêm các hạn chế đối với xuất khẩu mặt hàng này, động thái có thể khiến nguồn cung toàn cầu thêm thắt chặt.

Chính phủ Ấn Độ sẽ đặt ra mức giá sàn 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu các loại gạo trắng thường đã bị cấm xuất khẩu.

Động thái mới nhất này được đưa ra sau khi Ấn Độ áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu vào ngày 25/8.

Ấn Độ, quốc gia chiếm khoảng 40% xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm ngoái, hiện cấm hoặc áp đặt một dạng hạn chế nào đó đối với tất cả các loại gạo xuất khẩu.

Giá gạo tại châu Á tăng mạnh lên mức cao nhất trong gần 15 năm vào đầu tháng này và có thể tăng cao hơn, làm tăng chi phí của các nước nhập khẩu như Philippines và một số quốc gia khác trong khu vực.

Các biện pháp mà Ấn Độ thực hiện gần đây là nhằm ổn định giá cả trong nước.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, với quyết định áp thuế lên gạo đồ, giá gạo trong nước sẽ giảm và góp phần kiểm soát lạm phát giá lương thực. Tuy nhiên, giá gạo toàn cầu sẽ tăng và người mua sẽ phải chịu mức giá cao hơn.

[Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ vững vị trí cao nhất thế giới]

Gạo là loại thực phẩm thiết yếu của khoảng một nửa dân số toàn cầu. Các hạn chế của Ấn Độ được thực hiện vào thời điểm giá lương thực vẫn cao do xung đột tại Ukraine và thời tiết toàn cầu biến động đe dọa đến nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu.

Gạo đồ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Nước này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và các loại gạo trắng thường, hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường cũng như việc tích trữ một số ngũ cốc.

Ấn Độ cũng đang cân nhắc dỡ bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với lúa mỳ và bán ra cà chua, hành và ngũ cốc dự trữ để cải thiện nguồn cung trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục