Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn nguồn báo Egypt Independent ngày 15/7 cho biết Chính phủ Ai Cập đã bác bỏ một đoạn ghi âm lan truyền trên mạng xã hội cho rằng Chính phủ nước này có ý định bán Kênh đào Suez với giá 1.000 tỷ USD.
Trung tâm Truyền thông của Nội các Ai Cập đã liên hệ với Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) để xác minh thông tin, đồng thời cho hay SCA đã phủ nhận thông tin này và khẳng định đoạn âm thanh trên là bịa đặt.
SCA nhấn mạnh Kênh đào Suez sẽ vẫn thuộc sở hữu hoàn toàn của nhà nước Ai Cập và thuộc chủ quyền của đất nước Kim tự tháp.
Theo SCA, toàn bộ cán bộ, nhân viên của SCA sẽ vẫn là các công dân Ai Cập.
SCA cho biết thêm Kênh đào Suez không thể bị tổn hại theo Điều 43 Hiến pháp Ai Cập, trong đó quy định "Nhà nước cam kết bảo vệ, phát triển và bảo tồn Kênh đào Suez như một tuyến đường biển quốc tế thuộc sở hữu của đất nước Ai Cập, cũng như việc phát triển khu vực Kênh đào Suez thành một trung tâm kinh tế nổi bật."
SCA kêu gọi người dân Ai Cập không lan truyền những thông tin không chính thức.
Nền kinh tế Ai Cập hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do những căng thẳng địa chính trị trong khu vực, nhất là cuộc chiến ở Gaza, bất ổn ở Biển Đỏ và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Căng thẳng ở Biển Đỏ khiến nguồn thu từ Kênh đào Suez trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm khoảng 60%, do nhiều công ty vận tải biển chuyển hướng tàu của họ sang tuyến đường quanh Mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi./.
Doanh thu của kênh đào Suez giảm 64,3% do căng thẳng ở Biển Đỏ
Trong tháng qua, số lượng tàu quá cảnh qua kênh đào Suez đạt 1.111 tàu, giảm mạnh so với con số 2.396 tàu của cùng kỳ năm ngoái, tổng trọng tải cũng giảm 68,5%, xuống còn khoảng 44,9 triệu tấn.