Ngày 24/3, một nhóm chính trị gia Israel và Palestine đã cùng nhất trí hối thúc Liên đoàn Arab (AL) khôi phục một đề xuất hòa bình toàn diện với Israel.
Nhóm chính trị gia, được gọi là "Diễn đàn Prague" - bao gồm các nghị sỹ Israel, Palestine và Arab - được thành lập sau khi hơn 40 nhà lãnh đạo và chính khách khởi động các cuộc gặp gỡ bí mật tại Prague (Cộng hòa Czech) hồi tháng Hai vừa qua.
Nhóm này hy vọng có thể gây áp lực lên các nhà đàm phán tại các cuộc hòa đàm được Mỹ hậu thuẫn để ủng hộ cho Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002, theo đó đề xuất một nền hòa bình giữa Israel với thế giới Arab và Hồi giáo để đổi lại việc Israel rút quân khỏi toàn bộ các vùng lãnh thổ chiếm giữ trong cuộc chiến Trung Đông 1967.
Trong một bức thư được công bố ngày 24/3, nhóm trên cho rằng sáng kiến này "đặt nền tảng cơ bản cho một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài."
Dưới vai trò trung gian tích cực của Mỹ, vòng đàm phán hòa bình Israel-Palestine được khởi động lại từ tháng 7/2013 với khung thời gian đàm phán là 9 tháng. Tuy nhiên, cho đến nay, vòng đàm phán vẫn đối mặt với nhiều thách thức và bất đồng giữa hai bên, trong đó có một số vấn đề cốt lõi như đường biên giới cho nhà nước Palestine tương lai, các thỏa thuận an ninh và việc Israel đòi hỏi Palestine phải công nhận Nhà nước Do Thái...
Sau nhiều tháng nỗ lực thúc đẩy đàm phán mà không đem lại kết quả rõ ràng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang hối thúc hai bên kéo dài thời hạn đàm phán sau khi kết thúc thời hạn chót vào tháng Tư tới.
Trong bối cảnh bế tắc đó, Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 được cho là sẽ mở ra lối thoát cho vấn đề hòa bình ở Trung Đông. Năm ngoái, Ngoại trưởng Kerry đã thuyết phục AL xem xét lại sáng kiến nói trên, đồng thời hối thúc Israel và Palestine sửa lại đường biên giới năm 1967 thông qua một thỏa thuận đổi đất. Tuy nhiên, phía Israel vẫn chưa đưa ra bất cứ động thái chính thức nào về đề xuất này.
Một số nguồn tin khu vực dẫn lời các quan chức Arab cho biết hội nghị cấp cao lần thứ 25 của AL, dự kiến diễn ra tại Kuwait vào tuần tới, sẽ cân nhắc việc rút lại Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002.
Một quan chức Arab được dẫn lời nói rằng sáng kiến này "sẽ không làm vật trưng bày mãi cho Israel xem," đồng thời khẳng định rằng hội nghị cấp cao sẽ kiên quyết phản đối việc công nhận Israel là nhà nước Do Thái.
Vấn đề Palestine cũng là một nội dung chính trong chương trình của hội nghị AL lần này./.