Chinese Democracy bị phản đối ở Trung Quốc

Các nhà quản lý Trung Quốc nhìn nhận Chinese Democracy (Nền dân chủ Trung Hoa) - album mới gây tranh cãi của ban nhạc rock Mỹ Guns N’ Roses - là một “sự công kích độc địa” vào đất nước họ và đang cố gắng ngăn chặn công chúng nước này không tiếp cận với những website có liên quan đến CD nêu trên. Ngay cả người yêu nhạc Trung Quốc cũng phản bác Chinese Democracy.

Các nhà quản lý Trung Quốc nhìn nhận Chinese Democracy (Nền dân chủ Trung Hoa) - album mới gây tranh cãi của ban nhạc rock Mỹ Guns N’ Roses - là một “sự công kích độc địa” vào đất nước họ và đang cố gắng ngăn chặn công chúng nước này không tiếp cận với những website có liên quan đến CD nêu trên. Ngay cả người yêu nhạc Trung Quốc cũng phản bác Chinese Democracy.
 
Được thành lập ở California vào năm 1985, cho đến nay lượng đĩa bán ra của Guns N’ Roses đã đạt hơn 100 triệu bản trên toàn thế giới và ban nhạc đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Đĩa đơn ăn khách năm 1987 Sweet Child O’ Mine của họ luôn được bình chọn là một trong những nhạc phẩm rock vĩ đại nhất mọi thời đại.

Chinese Democracy là album đầu tiên của ban nhạc Guns N’ Roses trong 17 năm qua và nó đã được tung ra thị trường xứ cờ hoa vào hôm 23/11.
 
“Người yêu nước Trung Quốc thấy bị sỉ nhục”
 
Tuy nhiên, album mới của họ đã chịu phản ứng dữ dội từ nhiều cư dân mạng ở đất nước của Vạn Lý Trường Thành, những người chỉ trích ban nhạc đang cố gắng khuấy lên một sự kích động không hay chống lại Trung Quốc. “Tôi cảm thấy ban nhạc Guns N’ Roses có cách nhìn chế giễu, sai lệch và khinh thị về đất nước của chúng ta”, một cư dân mạng trung Quốc ở Quảng Châu viết trên trang web Douban.com.

Nhiều người lại tỏ thái độ cân bằng hơn. Một người viết trên trang trang mạng Mop.com của Trung Quốc rằng: “Hãy tha thứ cho họ. Họ không ở trên đỉnh thế giới đã hàng trăm năm. Thật khó tránh khỏi bị lỗi thời”. Một người đàn ông ở Bắc Kinh thì viết: “Nhóm Green Day đã tung ra album mang tên American Idiot (Thằng ngốc người Mỹ), nhưng nếu một ban nhạc phát hành đĩa CD mang tên Chinese Idiot thì cho dù mang bất cứ nội dung hay động cơ nào thì những người yêu nước Trung Quốc cũng thấy bị sỉ nhục”.
 
Người Trung Quốc đã thể hiện sự phản ứng của mình bằng cách “khóa” website chính thức của đĩa CD này là chinesedemocracy.com; nhiều trang mạng, như Baidu.com, còn chặn tất cả các tìm kiếm âm nhạc có liên quan đến Chinese Democracy.
 
Trong album có một ca khúc mà Axl Rose (người đứng mũi chịu sào của nhóm Guns N’ Roses - TT&VH) ám chỉ đến các thành viên của nhóm tâm linh Pháp Luân Công (Falun Gong) mà Chính phủ Trung Quốc đã cấm hoạt động. Ông Qin Gang, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo rằng: “Theo tôi biết thì nhiều người Trung Quốc không thích thể loại âm nhạc này. Nó quá ồn ào”.

Ngay cả các nhà phê bình phương Tây cũng có đánh giá hết sức khác nhau về chất lượng của Chinese Democracy. Trong khi tờ Rolling Stone mô tả album là “bản thu âm hard rock táo bạo”, thì tờ New York Times lại coi đây là “Titanic của các album rock, nhưng là con tầu bị chìm chứ không phải tác phẩm điện ảnh”.
 
Kiểm duyệt chặt chẽ
 
Nhằm giữ ổn định chính trị và bảo vệ các nhà sản xuất nội địa, nên hiện nay mỗi năm Trung Quốc chỉ cho phép phát hành giới hạn phim và album nước ngoài. Album Chinese Democracy không được phát hành ở Trung Quốc vì những lý do nêu trên.

Ở Trung Quốc, các cuộc trình diễn của các ban nhạc nước ngoài cũng được quy định nghiêm ngặt, trong đó có việc họ buộc phải trình duyệt danh sách ca khúc trước khi trình diễn. Trong chuyến lưu diễn đầu tiên ở Trung Quốc hồi năm 2006, ban nhạc The Rolling Stones đã phải loại bỏ nhiều ca khúc có ca từ quá “nóng”, chẳng hạn như Brown Sugar, Honky, Tonk Woman, Beast Of Burden và Let’s Spend The Night Together.
 
Đầu năm nay, Harry Connick Jr. cũng buộc phải có những thay đổi vào phút chót trong đêm hòa nhạc ở Thượng Hải bởi người ta đã trình một danh sách tiết mục cũ lên các nhà kiểm duyệt Trung Quốc nhằm có được giấy phép trình diễn. Thế là dàn nhạc phải trình diễn các nhạc phẩm đúng theo danh sách cũ này theo yêu cầu của các nhà kiểm duyệt, mặc dù họ không hề mang theo bản nhạc.

Sự kiện này xảy ra một tuần sau khi ca sĩ Ireland Bjork đã khiến các nhà chức trách Trung Quốc tức giận bởi cô đã hét “Tây Tạng” khi kết thúc đêm trình diễn ở Thượng Hải hồi tháng 3.
 
Hành động đó của Bjork khiến các nhà chức trách Trung Quốc càng áp dụng những quy định chặt chẽ hơn đối với các nghệ sĩ trình diễn nước ngoài.

Hồi tháng 7, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố bất cứ nghệ sĩ giải trí nước ngoài nào đã từng tham dự các sự kiện đe dọa đến "chủ quyền quốc gia" cũng như “kích động lòng hận thù dân tộc” đối với Trung Quốc sẽ bị cấm trình diễn ở nước này.
 
Lương Tuấn Vĩ (TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục