Kể từ ngày 3/2, quy định cấm các siêu thị, trung tâm mua sắm và cửa hàng bán lẻ sử dụng túi nilon, được thông qua hồi tháng Năm năm ngoái, bắt đầu có hiệu lực toàn phần tại Chile và từ nay, những khách hàng quên mang theo túi dùng nhiều lần sẽ buộc phải ôm đồ bằng tay hoặc… về nhà lấy túi.
Trên thực tế, từ nhiều tháng qua, các siêu thị và trung tâm bán lẻ lớn tại quốc gia Nam Mỹ này đã bắt đầu hạn chế hoặc chỉ đưa khách hàng túi nilon khi được yêu cầu, nhằm thích nghi dần với biện pháp được coi là ngặt nghèo nhất tại Mỹ Latinh chống lại loại sản phẩm gây ô nhiễm môi trường này.
Giờ đây, nếu muốn tạo tiện nghi cho khách khàng, các cơ sở thương mại tại Chile chỉ có thể cung cấp các túi xách từ chất liệu dễ tiêu hủy hơn như vải hoặc giấy. Tuy nhiên, một số nhà môi trường cũng bắt đầu bầy tỏ lo ngại về tác động có thể có của nhu cầu bột giấy tăng cao đối với các khu rừng.
Theo thống kê sơ bộ của Chính phủ Chile, với các biện pháp giảm dần trong 6 tháng qua, quốc gia Nam Mỹ này đã cắt giảm được khoảng 1 tỷ túi nilon và giảm được 7.350 tấn rác thải phái sinh, tương đương khối lượng của 6.300 chiếc ôtô điện.
Các chuyên gia môi trường ước tính mỗi năm, thế giới tiêu thụ khoảng 5.000 tỷ túi nilon, và đa phần chúng được làm từ poly-etylen, một sản phẩm phụ của dầu thô và phải mất tới 400 năm để tiêu hủy tự nhiên trong môi trường.
Tại Mỹ Latinh, một số quốc gia như Costa Rica và Panama cũng có những hạn chế khá ngặt nghèo về việc sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon, trong khi Mexico và Argentina đã cấm hoàn toàn sử dụng túi nilon trong thương mại tại một số thành phố trong nước./.