Chile: Phe đối lập phản đối đề xuất lộ trình soạn thảo Hiến pháp mới

Các đảng đối lập Chile đồng loạt phản đối đề xuất của Chính phủ về việc các nghị sỹ Quốc hội hiện nay sẽ là những người tham gia soạn thảo Hiến pháp mới theo đòi hỏi của dư luận trong thời gian qua.
Chile: Phe đối lập phản đối đề xuất lộ trình soạn thảo Hiến pháp mới ảnh 1Người dân tham gia biểu tình phản đối Chính phủ tại Santiago, Chile, ngày 23/10/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 11/11, các đảng đối lập Chile đồng loạt phản đối đề xuất của Chính phủ về việc các nghị sỹ Quốc hội hiện nay sẽ là những người tham gia soạn thảo Hiến pháp mới theo đòi hỏi của dư luận trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu phải có một cơ chế mang tính rộng rãi hơn tham gia vào quá trình soạn thảo văn kiện này.

Chủ tịch đảng Xã hội Chile (PSC) Alvaro Elizalde cho rằng cần phải thực hiện một cuộc thăm dò ý dân để khởi động tiến trình soạn thảo Hiến pháp mới, qua đó tạo điều kiện cho người dân Chile được bày tỏ nguyện vọng của mình về văn kiện này, cũng như cơ chế soạn thảo.

Trong khi đó, người đứng đầu đảng Cấp tiến (PR) Carlos Maldonado khẳng định cơ chế tốt nhất để soạn thảo Hiến pháp mới là thông qua một cuộc thăm dò dân ý và một Quốc hội lập hiến, đồng thời yêu cầu Chính phủ phải thương lượng với tất cả các đảng phái đối lập về lộ trình thực hiện công việc này.

[Chile sẽ xúc tiến soạn thảo thay thế hiến pháp từ thời Pinochet]

Về phần mình, đảng Cộng sản Chile cũng phản đối việc để cho Quốc hội hiện nay tự soạn thảo Hiến pháp mới mà cần phải có sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, qua đó đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn để có thể thay đổi văn bản luật tối cao được cho là đã lỗi thời và không còn phù hợp trong thời đại dân chủ hiện nay.

Việc soạn thảo Hiến pháp mới là một trong những đòi hỏi quan trọng nhất mà nhân dân Chile đưa ra sau các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ liên tiếp diễn ra tại quốc gia Nam Mỹ này trong thời gian vừa qua.

Sau thời gian đầu tỏ ra khá cứng rắn và mạnh tay trong việc trấn áp những người biểu tình, Chính phủ của Tổng thống Sebastián Piñera đã buộc phải xuống nước và đáp ứng một loạt các yêu cầu của người biểu tình, trong đó có việc soạn thảo lại Hiến pháp, vốn có hiệu lực từ thời chế độ độc tài cách đây hơn 30 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục