Ngày 20/10, nhà chức trách Chile đã gia hạn lệnh giới nghiêm trong đêm thứ 2 liên tiếp sau khi có 2 người thiệt mạng trong một siêu thị bị đột cháy do làn sóng biểu tình phản đối giá cả tăng cao và bất bình đẳng xã hội ở quốc gia Nam Mỹ này.
Lệnh giới nghiêm ngày 20/10 có hiệu lực từ 7 giờ tối theo giờ địa phương, sớm hơn 3 giờ so với tối hôm trước.
Trong khi đó, cảnh sát và quân đội cùng ngày đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình ở thủ đô Santiago trong bối cảnh các vụ đụng độ bạo lực đã kéo dài sang ngày thứ 3 liên tiếp.
Phát biểu sau cuộc họp khẩn với các chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cũng như người đứng đầu Tòa án Tối cao, Tổng thống Sebastian Pinera đã lên tiếng bảo vệ các biện pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp và triển khai hàng nghìn binh sĩ trên dường phố của ông.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ và An ninh Andres Chadwick cho biết đã có 2 phụ nữ thiệt mạng sau khi 1 cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị bán lẻ Walmart của Mỹ bị thiêu vào rạng sáng 20/10.
[Chile ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô nhằm ngăn ngừa bạo lực]
Nạn nhân thứ 3, mà ban đầu nhà chức trách cho biết đã thiệt mạng tại bệnh viện, vẫn còn sống song bị bỏng tơi 75% cơ thể.
Ông Chadwich cũng cho hay 2 người khác bị thương do đạn bắn tại một thị trấn phía Nam thủ đô Santiago. Theo nhà chức trách Chile, đã có 103 vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên cả nước, khiến 1.426 người bị bắt, trong đó có 614 người ở thủ đô.
Những người biểu tình đã đốt cháy xe buýt, đập phá trạm tàu điện ngầm, phá bỏ đèn giao thông, trộm cướp các cửa hàng và đụng độ với các cảnh sát chống bạo động.
Hiện gần như toàn bộ hệ thống giao thông công cộng tại Santiago đã bị tê liệt. Nhiều chuyến bay đến và đi tại sân bay quốc tế ở thủ đô cũng bị hủy bỏ.
Thiệt hại ước tính do hệ thống tàu điện ngầm ở Santiago bị phá hoại ước tính đã lên đến hơn 300 triệu USD.
Chile hiện có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực Mỹ Latinh là 20.000 USD. Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 2,5% và lạm phát là 2%.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế gần như tư nhân hóa toàn bộ hệ thống y tế và giáo dục, ở thời điểm lương hưu trí giảm và chi phí dịch vụ cơ bản tăng được cho đã khiến tình trạng bất bình đẳng xã hội càng thêm nghiêm trọng và làm bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực hiện nay./.