Chiều 14/2, giá dầu châu Á đi xuống sau thông báo của Chính phủ Mỹ

Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho biết sẽ bán 26 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR), điều này có thể đẩy dự trữ dầu xuống mức thấp nhất kể từ năm 1983.
Chiều 14/2, giá dầu châu Á đi xuống sau thông báo của Chính phủ Mỹ ảnh 1Ôtô đợi đổ xăng tại một trạm xăng ở Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 14/2, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống sau khi Chính phủ Mỹ thông báo sẽ xuất thêm dầu thô từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) theo yêu cầu của các nhà lập pháp, trái với kỳ vọng của một số nhà giao dịch rằng động thái trên có thể bị hủy hoặc trì hoãn.

Vào lúc 14 giờ 30 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 43 xu Mỹ (0,5%) xuống 86,18 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 71 xu Mỹ (0,89%) xuống 79,43 USD/thùng.

Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho biết sẽ bán 26 triệu thùng dầu từ SPR. Điều này có thể đẩy dự trữ dầu xuống mức thấp nhất kể từ năm 1983.

Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), nhận định các nhà giao dịch năng lượng đã dự đoán về việc bổ sung thêm SPR và không giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ.

DoE đã cân nhắc hủy đợt bán dầu trong tài khóa 2023 sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bán kỷ lục 180 triệu thùng từ kho dự trữ trong năm 2022. Nhưng điều này đòi hỏi Quốc hội phải hành động để thay đổi kế hoạch.

[Giá dầu trên thị trường thế giới đi lên trong phiên giao dịch 13/2]

Hiện, nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng Một. Giá tiêu dùng hàng tháng của Mỹ đã tăng trong hai tháng trước thay vì giảm như ước tính trước đó, làm tăng nguy cơ lạm phát cao hơn trong những tháng tới.

Tina Teng, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh), cho rằng bất kỳ dữ liệu nào cao hơn dự kiến đều có thể gây ra đợt bán tháo mới đối với các tài sản rủi ro, bao gồm cả dầu mỏ.

Những lo ngại về nguồn cung cũng giảm bớt sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu của 7 khu vực lòng chảo khai thác dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ đạt mức kỷ lục tromg tháng Ba.

Ở những nơi khác, xuất khẩu dầu thô tại một cảng quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ đã được nối lại sau trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển khu vực.

Nhà phân tích Moya cho rằng thị trường dầu đang trong trạng thái phòng thủ và có thể giảm sâu hơn nếu lạm phát khó kiểm soát hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục