Chiến tuyến Brexit đang dần hiện rõ tại nước Anh

Nước Anh đang phải đối mặt với hai tháng đầy biến động về chính trị khi Thủ tướng Boris Johnson đứng lên chống lại các nghị sỹ muốn ngăn chặn một Brexit không có thỏa thuận xảy ra.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, nước Anh đang phải đối mặt với hai tháng đầy biến động về chính trị khi Thủ tướng Boris Johnson đứng lên chống lại các nghị sỹ muốn ngăn chặn một Brexit (việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) không có thỏa thuận xảy ra.

Dưới đây là một số chiến thuật tiềm năng của cả hai phía:

1. Phe đối lập:

Các cuộc tranh luận khẩn cấp

Các nghị sỹ phản đối một Brexit không thỏa thuận đã lên tiếng báo hiệu họ có kế hoạch sử dụng một thủ tục cho phép tổ chức một cuộc tranh luận khẩn cấp tại Hạ viện khi họ quay trở lại vào ngày 3/9.

Những cuộc tranh luận như vậy thường không kết thúc bằng những cuộc bỏ phiếu ràng buộc, nhưng họ hy vọng Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow - người được coi là đồng cảm với động cơ của các nghị sỹ - sẽ phá vỡ tiền lệ và cho phép tổ chức một cuộc bỏ phiếu.

Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà lập pháp kiểm soát hoạt động của Hạ viện, có thể vào ngày hôm sau, khi họ có thể lấy luật pháp để yêu cầu Thủ tướng Johnson trì hoãn Brexit.

[Nước Anh gian nan chặng đường vượt 'ngọn núi cao Brexit']

Bỏ phiếu bất tín nhiệm và bầu cử

Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập chính, cho biết ông có thể đệ trình một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Chính phủ của ông Johnson khi Quốc hội quay trở lại làm việc vào tuần tới sau giai đoạn nghỉ Hè.

Họ cần phải vượt qua bằng một thế đa số tương đối và sau đó sẽ cho các nghị sỹ 14 ngày để thành lập một Chính phủ thay thế có thể ký gia hạn kéo dài Brexit.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp cho đến nay vẫn không thống nhất được ai sẽ là người lãnh đạo chính quyền lâm thời, còn các đảng đối lập khác thì đang cảm thấy mệt mỏi bị coi là đã trao quyền lực cho ông Corbyn.

Nếu ông Johnson hoặc một nhân vật thay thế không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mới trong vòng 14 ngày, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được kích hoạt. Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo rằng cuộc bầu cử này sẽ diễn ra trước hạn Brexit dự kiến vào ngày 31/10.

Tòa án

Các kế hoạch của ông Johnson dành cho Quốc hội và một Brexit không thỏa thuận đang phải trải qua nhiều thách thức pháp lý khác nhau. Gina Miller, một nữ doanh nhân và nhà vận động chống Brexit hàng đầu, đã đệ đơn xin xem xét tư pháp khẩn cấp nhằm thách thức “hiệu quả và ý định” đình chỉ của Quốc hội.

Tòa án dân sự cao nhất của Scotland đã tổ chức một phiên điều trần tạm thời vào hôm 29/8 sau khi một chính trị gia thuộc Đảng Quốc gia Scotland (SNP) đệ trình một lá đơn tương tự.

Trong khi đó, ba thách thức pháp lý riêng biệt cũng đã được đưa ra ở Belfast chống lại một Brexit không có thỏa thuận tiềm tàng.

Vượt qua thỏa thuận "ly hôn" hiện tại

Các nghị sỹ - vốn mong muốn tránh được một Brexit không có thỏa thuận - có thể đề xuất lại một giao kèo "ly hôn" mà cựu Thủ tướng Theresa May đã ký với EU, nếu ông Johnson không hoàn tất một thỏa thuận mới với khối này vào cuối tháng 10 tới.

Vốn bị các nhà lập pháp phủ quyết đến ba lần, sau đó lại bị ngăn chặn không được đưa ra bỏ phiếu bởi Chủ tịch John Bercow trong phiên họp Quốc hội theo các quy tắc tố tụng, những người đề xuất bây giờ có thể cho rằng giao kèo đó còn tốt hơn là một sự ra đi không có thỏa thuận.

2. Phía Chính phủ

Sự cản trở của Quốc hội

Chính phủ được cho là đang xem xét các cơ chế khác nhau, bao gồm công bố một ngân sách mới - một sự kiện được thiết lập trong lịch trình lập pháp của Anh - để “ngốn hết” thời gian của Nghị viện trước ngày 31/10. Việc sử dụng thủ tục “tranh cãi đến cùng” (theo đó một hoặc nhiều thành viên của Quốc hội sẽ tranh luận về một bộ luật được đề xuất để trì hoãn hoặc ngăn chặn hoàn toàn quyết định được đưa ra đối với đề xuất đó) trong Thượng viện nhằm để ngăn chặn bất kỳ điều luật nào chống lại một Brexit không thỏa thuận vốn đã được thông qua trong Hạ viện, cũng đang được cân nhắc.

Theo tờ The Times, Văn phòng số 10 Downing Street cũng đang thảo luận một lựa chọn khác. Đó là trì hoãn việc đưa ra sự chấp thuận hoàng gia đối với bộ luật cho đến khi Quốc hội được thành lập, nhằm “nhấn chìm” dự luật một cách hiệu quả.

Phớt lờ phe đối lập

Ông Johnson được cho là đã tìm kiếm lời khuyên về việc liệu ông có vi phạm luật không nếu ông phớt lờ yêu cầu của phe đối lập buộc ông phải tìm cách trì hoãn Brexit hoặc từ chối từ chức sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Kêu gọi tổng tuyển cử

Ông Johnson có thể tự mình tìm cách lợi dụng phe đối lập ủng hộ việc ở lại EU đang bị chia rẽ và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử, với hy vọng nhận được một nhiệm vụ thực hiện Brexit không có thỏa thuận.

Tuy nhiên, ông sẽ phải cần đến thế đa số 2/3 các nghị sỹ bỏ phiếu cho một cuộc bầu cử sớm và sẽ phải cảnh giác với đảng Brexit của chính trị gia dân túy Nigel Farage có quan điểm chống EU - vốn đứng đầu trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng Năm vừa qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục