Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang làm xáo trộn kinh tế thế giới và có những ảnh hưởng bước đầu tiêu cực tới kinh tế Việt Nam.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đầy đủ, đa chiều về cuộc chiến thương mại này, cũng như những tác động của nó đối với kinh tế thế giới và Việt Nam, những khuyến nghị chính sách đối với các nhà quản lý, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia tài chính Phạm Nam Kim, nguyên Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về cuộc chiến thương mại hiện nay giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Cuộc chiến này là hậu quả của những diễn biến kinh tế, xuất phát từ nguyên nhân địa kinh tế, địa chính trị thế giới và được khơi mào do những thay đổi chính sách, những tư tưởng dân túy và hình thức bảo hộ mới dựa trên sức mạnh kinh tế.
Một cuộc chiến tranh thương mại chỉ xảy ra khi phe bên này áp đặt một số biện pháp chống lại phe bên kia và phe bên kia đáp trả bằng những biện pháp tương xứng, rồi sự leo thang trong của các biện pháp trừng phạt lẫn nhau lan qua các lĩnh vực khác.
Theo định nghĩa này thì ngày 2/4/2018, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã chính thức bắt đầu. Tổng thống Donald Trump đã khẳng định áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, nhập khẩu vào Mỹ. Ông cũng đã ký sắc lệnh mở đường cho việc áp khoản thuế 60 tỷ USD với các sản phẩm nhập khẩu đến từ Trung Quốc và hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, cũng như hoạt động mua lại doanh nghiệp tại Mỹ.
Ngược lại, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 1/4 thông báo nước này sẽ áp thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm của Mỹ, bắt đầu từ ngày 2/4, nhằm đáp trả việc Mỹ gần đây áp đặt các rào cản thương mại đối với nước này.
Một cuộc chiến thương mại song phương, nhất là giữa những cường quốc, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới những nền kinh tế khác. Mỗi bên sẽ cố gắng lôi kéo về phía mình những “đồng minh” hay những quốc gia dưới sự chi phối của mình. Bằng chứng là mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, sẽ không áp dụng với những đồng minh của Mỹ là EU, Canada, Australia, Hàn Quốc, Mexico...
Về phương diện kinh tế, đối đầu giữa 2 cường quốc kinh tế thế giới dĩ nhiên sẽ lan rộng ra toàn cầu. Đơn cử, khi Tổng thống Mỹ Trump ký sắc lệnh áp thuế trên các mặt hàng Trung Quốc, chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới đã tụt gía rất mạnh. Kinh tế thế giới sẽ điêu đứng với cuộc xung đột này và mọi quốc gia sẽ đặt quyền lợi của mình lên trên hết, đây cũng là nguyên nhân của sự lây lan của cuộc chiến thương mại.
- Ông đánh giá bản chất của cuộc chiến thương mại này là gì?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Cốt lõi của vấn đề là sự chuyển dịch của địa kinh tế từ Bắc Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Mỹ đã ý thức được tầm quan trọng của sự chuyển dịch này và nếu muốn giữ vị trí cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ trước tiên phải thể hiện vị trí của mình tại Thái Bình Dương.
Đó là đường hướng “xoay trục” của Tổng thống Obama, mà ông Trump trong thâm tâm hoàn toàn nhất trí với đường hướng “xoay trục,” nhưng vì chiến thuật tranh cử, đã đả phá tất cả những gì của người tiền nhiệm nên đã rút khỏi hiệp ước TPP, nhưng nay đưa ra một sách lược khác cho đường hướng “xoay trục,” đối mặt trực tiếp với đối thủ cạnh tranh, Trung Quốc.
Điểm tối quan trọng là sự biến đổi trong chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc. Thời “công xưởng thế giới,” bán sức lao động để phát triển đã hoàn toàn là quá khứ. Trung Quốc đã và đang đi trên con đường công nghiệp hóa “thực sự” nền kinh tế, sản xuất ra những sản phẩm do chính mình sáng chế. Muốn vậy, Trung Quốc vạch ra hai con đường, thứ nhất, chiếm lĩnh kiến thức công nghệ và thứ hai là chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ.
Để chiếm lĩnh kiến thức công nghệ, Trung Quốc sao chép, “đánh cắp,” rồi bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài hiện diện ở Trung Quốc, chuyển giao công nghệ và chiến thuật mới đây là đầu tư, thâu tóm những doanh nghiệp nước ngoài để chiếm đoạt kiến thức công nghệ. Trong những động thái này Mỹ, là nạn nhân đầu tiên, trớ trêu là Trung Quốc lại dùng những công nghệ lấy được của Mỹ để chiếm đoạt thị trường Mỹ.
Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới thông qua hai trục. Trục thứ nhất, đối với những nước phát triển, trong đó quan trọng nhất là thị trường Mỹ bán giá rẻ, nhiều khi phá giá để thâu tóm thị trường, Đối với những quốc gia lận cận thì Trung Quốc dùng kế hoạch “một vành đai, một con đường,” những hiệp ước FTA với những quốc gia và khối trong vùng để thâu tóm thị trường.
Với những chuyển dịch trên, vị trí cường quốc hàng đầu của Mỹ đang bị lung lay mạnh do đó Mỹ đã phải phản ứng quyết liệt để giành lại được vị thế của mình trong khu vực Thái Bình Dương, tâm điểm của kinh tế thế giới.
Nhưng tại sao ông Trump lại khơi cuộc xung đột với Trung Quốc trong lúc này, có lẽ đây là một vấn đề chính trị nội bộ. Chính trường và phe ủng hộ tổng thống đang bị chia rẽ bởi những vụ việc như bạo lực ở học đường, can thiệp của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ, đạo luật chống người nhập cư... và ông Trump, như mọi chính trị gia khác, trong trường hợp này cần chỉ rõ “kẻ thù” bên ngoài để gây dựng đoàn kết bên trong.
- Theo ông, cuộc chiến Mỹ-Trung này sẽ đi tới đâu?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Chúng ta đang chứng kiến sự so tài của hai cường quốc kinh tế. Cuộc chiến thương mại hiện đang diễn ra chỉ là vòng đầu có tính chiến thuật của cuộc đụng độ. Muốn hạ Trung Quốc, Mỹ cần đánh vào động cơ cốt lõi của sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là xuất khẩu. Hai là Mỹ cản trở tất cả các mưu toan chiếm đoạt sở hữu trí tuệ của Trung Quốc để phá tan chiến lược “Made in China” của nước này
Để hiệu quả hóa chiến thuật của mình, Mỹ sẽ kéo vào phe mình những đồng minh truyền thống châu Âu, khối EU và những quốc gia trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Những mức thuế quan đề ra sẽ được duy trì trong một thời gian dài và chiến thuật này sẽ kéo mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đi xuống.
Tuy nhiên, chiến thuật thuế quan cũng có hạn mức, nếu Mỹ không muốn tổn hại đến chính nền kinh tế của mình, do vậy miếng đòn tiếp theo rất có thể là đòn tài chính. Chiến dịch truyền thông đã bắt đầu, những con số được đưa ra là tổng nợ của Trung Quốc hiện đạt mức kỷ lục là 260% GDP, và có nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng. Rất có thể cuộc chiến kinh tế sẽ diễn ra trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế chứ không ở góc độ thương mại.
Nguy cơ trước mắt, như đã đề cập ở trên, là thế giới sẽ chia làm 2 phe và sẽ là cuộc Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 21, thay vì là sự đụng độ của hai ý thức hệ sẽ là cuộc đụng độ của hai cường quốc trước những biến đổi về địa kinh tế, về phân chia sản xuất công nghiệp và vì tác động của cuộc cách mạng 4.0.
- Cuộc chiến này có ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế thế giới?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra sẽ ảnh hưởng rất xấu đến nền kinh tế thế giới. Mức tăng trường GDP toàn cầu sẽ chậm lại, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế 2008 và đang đối mặt với những thay đổi lớn từ Cách mạng công nghệ 4.0 và “Cách mạng Xanh.”
Đối với các bên liên quan, trước hết là đối với Mỹ, tăng thuế nhập khẩu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trong nước, đưa đến nguy cơ lạm phát, nhất là khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới tăng lãi suất. Nguồn cầu sẽ giảm và có thể chặn đà tăng trưởng hiện nay của nước này. Đổi lại, các mặt hàng sản xuất tại Mỹ sẽ giảm được áp lực cạnh tranh. Ngoài ra, trước các đòn trả đũa của Trung Quốc đối với hàng hóa của Mỹ, nước này sẽ phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế.
Đối với Trung Quốc, vấn đề chính của nước này là phải tìm thị trường thay thế cho thị trường trị giá 60 tỷ USD ở Mỹ và tìm kiếm đối tác khác để trao chuyển giao công nghệ.
Trên đây mới là những đánh giá các tác động ban đầu của một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu cuộc chiến lan ra các quốc gia khác và trên những lĩnh vực khác thì cuộc tranh giành thị trường tiêu thụ trên toàn cầu sẽ rất khốc liệt. Các nước sẽ không từ bỏ một thủ đoạn nào, từ “bẫy nợ,” “bẫy đầu tư trực tiếp,” chưa kể để phòng ngừa, các nước sẽ dùng chính sách bảo hộ, sử dụng các áp lực chính trị và quân sự.
- Và nó sẽ có tác động như thế nào đối với Việt Nam?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Việt Nam, với gần 100 triệu người tiêu dùng ở mức thu nhập trung bình, là một thì trường rất hấp dẫn và sẽ được nhiều nước quan tâm. Hơn nữa, Việt Nam là cửa ngõ để đi vào thị trường ASEAN và CPTPP. Do vậy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam, trong bối cảnh chiến tranh thương mại thế giới, có tính cạnh tranh rất khốc liệt.
Bên cạnh đó, Việt Nam, cũng như những quốc gia khác, sẽ phải tranh đấu không ngừng để giữ gìn và phát triển các thị trường xuất khẩu của mình. Trước mắt, ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến nói trên là những khó khăn do chính quyền Mỹ đưa ra nhằm ngăn chặn xuất khẩu thép, nhôm, cá da trơn vào thị trường này.
- Theo ông Việt Nam cần có đối sách gì để tránh nhưng ảnh hưởng tiêu cực từ sự kiện này?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Như đã nói ở trên, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn trong chi phối, kiểm soát, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, và nguy cơ sẽ có tác động xấu, gây ảnh hưởng tới chủ quyền và độc lập kinh tế của Việt Nam.
Khi chiến thương mại bùng nổ giữa hai siêu cường quốc thì bên nào cũng muốn lôi kéo Việt Nam về phe của mình, và khi đã bị lôi kéo về một bên thì chắc chắn, Việt Nam sẽ chịu sự chi phối của phe đó và coi phe đối lập là “thù địch,” theo đó sẽ phải hứng chịu những đòn trừng phạt tương tự như một bên siêu cường đối địch. Để tránh rơi vào tình thế khó xử và nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia thì cách tốt nhất là không theo phe nào, tức giữ vị thế “trung lập kinh tế.”
Chủ trương độc lập và giữ vững chủ quyền kinh tế đã là cương lĩnh phát triển kinh tế của Đảng, được phê duyệt trong Đại hội XI, gọi là cương lĩnh 2011, nhưng tới nay, chưa được phát huy. Hiện nay tình thế đang khiến Việt Nam thực hiện cương lĩnh thông qua đường lối trung lập về kinh tế.
Để thực hiện chủ trương “trung lập về kinh tế” mà vẫn giữ được mức độ tăng trưởng của nền kinh tế thì ta một mặt phải đa phương hóa tối đa các quan hệ kinh tế, và việc ký kết hiệp ước CPTPP là một bước tiến rất tốt nhưng ta cần đi xa hơn nữa để bổ sung những thị trường đã không còn tồn tại. Mặt khác, ta phải ngăn chặn sự chi phối, dưới mọi hình thức của một quốc gia hay khối kinh tế, lên nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, bước đầu sẽ là đa phương hóa tối đa quan hệ kinh tế, thương mai thông qua những hiệp ước FTA thế hệ mới, đồng thời sẽ không để một đối tác nào có một vị thế có thể chi phối được nền kinh tế quốc gia. Chính sách này không chỉ áp dụng cho nguồn cầu mà cả cho nguồn cung ứng cho nền kinh tế quốc gia.
Tiếp đó hạn chế tới mức không chi phối được các quan hệ kinh tế, thương mại với những quốc gia và khối kinh tế hiện tại. Để thực hiện bước này, chính phủ sẽ sửa đổi Luật Cạnh tranh theo đúng tinh thần của nền kinh tế thị trường, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng và nghiêm cấm sự chi phối thị trường của một doanh nghiệp, một quốc gia hay một khối kinh tế./.