Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Những áp lực lên tỷ giá

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tăng chủ yếu do thông tin gần đây về đàm phán thương mại Mỹ-Trung làm gia tăng quan ngại thị trường về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: LienVietPostBank)

Từ cuối tháng 4, tỷ giá trung tâm liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại cũng bất ngờ "leo" lên mức cao. Diễn biến này làm "nóng" thị trường ngoại hối vốn yên ả suốt một thời gian dài.

Tỷ giá "nhảy nhót," vì sao?

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tăng trong những ngày qua chủ yếu do những thông tin gần đây về đàm phán thương mại Mỹ-Trung làm gia tăng quan ngại thị trường về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực, đồng thời việc đồng nhân dân tệ (CNY) tiếp tục giảm giá trong một số ngày từ cuối tháng 4 đến nay đã tác động mạnh tới tâm lý thị trường ngoại tệ trong nước, từ đó gây áp lực tới tỷ giá.

Giới chuyên môn cũng nhìn nhận, việc tỷ giá tăng trong thời gian qua chủ yếu do yếu tố tâm lý ảnh hưởng từ những động thái mới trên thị trường quốc tế.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sự biến động mạnh của tỷ giá trong thời gian qua qua có nguyên nhân chủ yếu từ diễn biến của các đồng tiền mạnh như USD, CNY, GBP và JPY trên thị trường thế giới.

Kể từ khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang trở lại, đồng CNY của Trung Quốc đã giảm giá mạnh, qua đó gây áp lực nhất định lên VND.

Nhìn lại khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường ngoại hối trong nước liên tục bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước dường như rất có kinh nghiệm để ứng phó với những tình huống này.

[Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết]

Mỗi khi thị trường biến động, nhà điều hành lại phát đi thông điệp có đủ nguồn lực và sẵn sàng bán ngoại hối can thiệp thị trường khi cần.

Với biến động tỷ giá lần này, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, nếu cần thiết cơ quan này sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với tỷ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngay sau khi thông điệp này được phát đi, thị trường ngoại hối đã giảm nhiệt, giá USD tại các ngân hàng thương mại ngay lập tức được "ghìm cương."

Tính đến ngày 29/5, tỷ giá trung tâm đã tăng 236 đồng so với đầu năm 2019, tương đương tăng khoảng 1%; trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại chỉ tăng khoảng 0,8%.

Hai công cụ đắc lực "ghìm cương" tỷ giá

Chính sách điều hành tỷ giá trong vài năm trở lại đây được giới chuyện môn nhận định là thành công nổi bật của ngành ngân hàng. Không khó để có thể nhận ra những tác động tích cực đến thị trường từ chính sách tỷ giá trung tâm được công bố hàng ngày và lượng ngoại dự trữ hối dồi dào sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần.

(Nguồn: LienVietPostBank)

Do đó, niềm tin của thị trường vào khả năng can thiệp của nhà điều hành ngày càng cao.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá cao chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong những năm gần đây.

Vị chuyên gia đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng này cho rằng, với hai công cụ đắc lực là chính sách tỷ giá trung tâm và lượng dự trữ ngoại hối dồi dào ngành ngân hàng đã thành công trong giữ ổn định tỷ giá, ổn định tiền đồng.

Nâng cao dự trữ ngoại hối quốc gia là một trong những mục tiêu hàng năm của Ngân hàng Nhà nước. Tuy không công bố con số cụ thể nhưng Ngân hàng Nhà nước mới đây phát đi thông điệp cơ quan này đã mua được lượng ngoại tệ lớn tăng dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong những tháng đầu năm cơ quan này tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, đưa quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Các chuyên gia phân tích của BVSC nhận định, với nguồn dự trữ ngoại hối lớn, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam tiếp tục thặng dư, chính sách thắt chặt cho vay ngoại tệ và chuyển dần sang mua bán ngoại tệ là những nhân tố giúp tỷ giá chưa gặp quá nhiều rủi ro trong thời gian còn lại của năm 2019.

Ở góc độ khác, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, đồng USD chỉ là 1 trong 8 rổ tiền tệ điều hành của Ngân hàng Nhà nước hàng ngày và chính sách tỷ giá từ năm 2016 trở lại đây đã tương đối linh hoạt, bám sát thị trường, chính vì thế tỷ giá được duy trì ổn định trong 3 năm qua. Do đó, việc tỷ giá tăng lần này không quá lo ngại.

Dù thị trường ngoại hối trong mấy ngày gần đây đã ổn định trở lại nhưng giới phân tích cho rằng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong bối cảnh hiện nay, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung còn diễn biến phức tạp và tỷ giá có thể sẽ tăng tiếp. Ngân hàng Nhà nước nên linh động hơn nữa, tiếp tục sử dụng hai công cụ là chính sách tỷ giá trung tâm và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào để ổn định tỷ giá.

Nếu cần có thể điều chỉnh tỷ giá tăng trong biên độ 3% trong cả năm 2019 là hợp lý. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục