Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung tác động chuỗi cung ứng năng lượng thế nào?

Hiện nay, xuất hiện nhiều câu hỏi lớn về tính thực tiễn của việc chia tách chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cả hệ thống công nghệ/thông tin liên lạc hoặc năng lượng/thanh toán.
Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung tác động chuỗi cung ứng năng lượng thế nào? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo hãng Reuters, quan hệ ngoại giao ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đang hướng sự chú ý vào vấn đề phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của hai nước này trên phương diện chuỗi cung ứng toàn cầu năng lượng và công nghệ.

Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu ở Mỹ và một số đồng minh thân cận nhất, bao gồm Australia và Anh, gần đây đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn trong quan hệ của họ với Bắc Kinh.

Trung Quốc không ít lần đã bị gán với cái mác “kẻ cạnh tranh chiến lược,” song quốc gia này ngày càng được mô tả như một “đối thủ chiến lược” - ám chỉ một mối quan hệ mang tính đối đầu hơn.

Những phàn nàn về hoạt động thương mại không công bằng, đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, can thiệp tiền tệ và mất việc làm đã biến đổi nhanh chóng thành các mối lo ngại nghiêm trọng hơn về gián điệp, chuyển giao công nghệ và an ninh quốc gia.

Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã được Ngoại trưởng Mike Pompeo mô tả trong các thuật ngữ hiện nay mà nhiều người tin rằng là để che giấu tham vọng của tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

“Chúng ta cần một chiến lược bảo vệ nền kinh tế Mỹ và thực tế là cuộc sống của chúng ta. Thế giới tự do phải chiến thắng chế độ chuyên chế mới này,” ông Pompeo nói trong một bài phát biểu về mối đe dọa Trung Quốc hồi tuần trước.

Vấn đề cốt lõi là các đối thủ chiến lược, hoặc thậm chí là kẻ thù, có thể cơ cấu mối quan hệ của họ để giảm thiểu rủi ro an ninh như thế nào. Quan hệ kinh tế không chỉ bao gồm thương mại hàng hóa, mà còn hàng loạt dịch vụ như giao thông vận tải và hậu cần, ngân hàng, dịch vụ pháp lý, chuyên môn nghề nghiệp, giáo dục và du lịch.

[Tổng thống Mỹ nhận định về đàm phán thương mại với Trung Quốc]

Nó cũng bao gồm cả hợp tác đầu tư, khoa học và công nghệ, chuyển giao dữ liệu, hệ thống thanh toán, tiền tệ và di cư.

Chia tách

Đối với nhiều chuyên gia an ninh, giải pháp trên là nhằm chia tách kinh tế của hai siêu cường này, biến thế giới thành các khối riêng biệt do Mỹ và Trung Quốc lãnh đạo, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc giữa hai bên.

Việc chia tách vẫn còn gây tranh cãi dữ dội, do sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ rất tốn kém, song nhiều chuyên gia an ninh ủng hộ chia tách ở một cấp độ nào đó.

Ở Mỹ và một số nước đồng minh, phần lớn cuộc tranh luận hiện nay xoay quanh mức độ chia tách một cách thỏa đáng, thay vì ý tưởng tự chia tách và làm thế nào để theo đuổi sự can dự trong những lĩnh vực nhất định.

Đối với các chuyên gia an ninh Mỹ và đồng minh, ưu tiên cho sự chia tách nên tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao, chẳng hạn như sản xuất thiết bị bán dẫn và viễn thông cũng như khoa học tiên tiến.

Tuy nhiên, hiện cũng có những lo ngại lớn hơn về các chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các nhà sản xuất ở Trung Quốc, trong đó gồm máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị y tế, thép và đất hiếm.

Cho đến nay, giới hoạch định chính sách Mỹ dường như ủng hộ việc chia tách hơn so với các đối tác ở Trung Quốc - những người vẫn công khai cam kết vào một hệ thống kinh tế quốc tế hội nhập hơn.

Tuy nhiên, đối với các chuyên gia an ninh ở Trung Quốc, hiện có những lo ngại ngày càng gia tăng về sự phụ thuộc vào các nguyên liêu thô nhập khẩu, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, cũng như các hệ thống tiền tệ và thanh toán toàn cầu do Mỹ chi phối.

Dầu khí

Trong bốn thập kỷ từ những năm 1970 đến những năm 2000, Mỹ đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và khả năng dễ bị tổn thương về kinh tế và an ninh mặc nhiên cũng trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Đến cuối giai đoạn này, đã xuất hiện những lo ngại rằng nước Mỹ cũng sẽ trở nên phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu, làm gia tăng mối quan ngại về nguy cơ an ninh do phụ thuộc vào năng lượng.

Cuộc cách mạnh đá phiến ở Mỹ đã xoa dịu những nỗi lo đó bằng cách ồ ạt mở rộng sản xuất trong nước và biến Mỹ thành một nước xuất khẩu, đầu tiên là khí đốt và gần đây hơn là dầu mỏ.

Công cuộc công nghiệp hóa thần tốc và các nguồn tài nguyên dầu khí trong nước hạn hẹp của Trung Quốc đã đưa đất nước này vào con đường ngược lại; trên thực tế, hai nước đã đổi vị trí cho nhau trong các vấn đề năng lượng.

Sau khi trở thành nước xuất khẩu dầu vào đầu những năm 1970, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu ròng một lần nữa vào giữa những năm 1990 và đến nay là nước nhập khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới.

Gần đây hơn, Trung Quốc đã nổi lên như một nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn khi nước này chuyển từ sử dụng than sang khí đốt trong các hệ thống sưởi và phát điện.

Các chuyên gia an ninh Trung Quốc hiện phải vật lộn với những lo ngại tương tự về sự phụ thuộc nhập khẩu, vấn đề vốn chi phối tranh luận ở Mỹ trong suốt 40 năm qua.

Trung Quốc hiện phải lo lắng về giá cả năng lượng tăng vọt, các lệnh cấm vận có động cơ chính trị và chuỗi cung ứng hàng hải dài thông qua các cửa ngõ vốn có thể bị phong tỏa. Trung Quốc cũng cần lo lắng về một số kế hoạch nhập khẩu dầu khí hiện tại và dự kiến từ Mỹ và các đồng minh, bao gồm Australia và các nước ở Trung Đông.

Sự độc lập

Giống như Mỹ trước đó, phản ứng của Trung Quốc nhiều khả năng tập trung vào việc giảm nhu cầu nhập khẩu thông qua sự kết hợp phát triển nguồn lực trong nước, tăng hiệu quả và đầu tư vào các giải pháp thay thế.

Sự tập trung của Trung Quốc vào các nguồn năng lượng trong nước (hạt nhân, thủy điện, phong năng và năng lượng Mặt Trời) và các phương tiện dùng điện có thể được giải thích chủ yếu bằng việc cần giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu, cũng như lo ngại về ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.

Mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ nhiều khả năng khuyến khích các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tăng gấp đôi nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu khí và phát triển các nguồn không phụ thuộc vào liên minh của Mỹ.

Trung Quốc cũng sẽ tăng cường theo đuổi năng lượng tái tạo và điện khí hóa hệ thống giao thông, qua đó có lợi cho việc giảm ô nhiễm không khí và khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng các nhà hoạch định chính sách hàng đầu có thể ngần ngại giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào việc đảm bảo sản xuất than trong nước trước khí đốt nhập khẩu không an toàn.

Cuộc đối đầu với Mỹ có thể dẫn đến một tương lai trong đó Trung Quốc có một ngành tái tạo lớn được hỗ trợ bởi rất nhiều than. Nếu vậy, Trung Quốc sẽ tiếp bước Mỹ, cũng tập trung vào than, hạt nhân và năng lượng tái tạo trong kỷ nguyên mất an ninh năng lượng từ những năm 1970 đến những năm 2000.

Than trong nước tạo ra một sự bảo đảm chính sách trước những nguy cơ tăng giá, phong tỏa và thiếu hụt được tạo ra bởi sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và lo sợ phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu. Sản xuất điện bằng than thường là lựa chọn dự phòng cho các nước lo lắng về an ninh năng lượng quốc tế.

Vấn đề chính sách

Hiện nay, xuất hiện nhiều câu hỏi lớn về tính thực tiễn của việc chia tách chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cả hệ thống công nghệ/thông tin liên lạc hoặc năng lượng/thanh toán.

Với tất cả nỗ lực của mình, Mỹ không bao giờ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu từ giữa những năm 1970 đến giữa những năm 2000, cho đến khi công nghệ mới dưới dạng đá phiến cuối cùng thúc đẩy sản xuất trong nước.

Tái tạo và chuyển hướng các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ dẫn đến chi phí khổng lồ đối với cả hai siêu cường, mất cả hàng thập kỷ, nhưng chưa chắc đã thành công. Quy mô của sự gián đoạn có thể khiến các nhà hoạch định chính sách tạm dừng và suy nghĩ lại về chiến lược chia tách hoặc ít nhất là kiềm chế tham vọng, trong nỗ lực cứu vãn ít nhất một số hợp tác thương mại, đầu tư và chính sách.

Nhưng khi mối quan hệ giữa các siêu cường ngày càng xấu đi, tất cả những sự phụ thuộc lẫn nhau này, không chỉ là công nghệ, sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách, và các dòng chảy năng lượng sẽ ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục