Theo trang mạng www.aei.org, lệnh cấm thương mại của Donald Trump đối với tập đoàn trang thiết bị công nghệ viễn thông khổng lồ Huawei có thể báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc “chiến tranh Lạnh” dài hạn trong ngành công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Những nhân vật diều hâu chống Trung Quốc tại Washington chắc chắn mong muốn điều này xảy ra, bởi họ cho rằng nước đi đầu về công nghệ trong thế kỷ 21 cũng sẽ là siêu cường kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới.
Và có lẽ biện pháp quan trọng nhất để đảm bảo chắc chắn thế giới có một thế kỷ thứ hai do Mỹ dẫn đầu chính là cắt đứt hoàn toàn lĩnh vực công nghệ của Mỹ - bao gồm ngành chế tạo, đầu tư vốn, nghiên cứu và nhân công - khỏi Trung Quốc.
Và bước đi đầu tiên là "giết chết" Huawei - công ty nhập khẩu công nghệ lớn nhất của đất nước này.
Tuy nhiên, tầm nhìn rất xa này dường như thiếu thực tế, và thậm chí thiếu cả những nền tảng cơ bản để hiện thực hóa nó.
Lấy ví dụ Chiến tranh Lạnh trong giai đoạn nửa sau của thế kỷ trước chẳng hạn: Căng thẳng giữa Mỹ và Nga lần đầu tiên được gắn mác Chiến tranh Lạnh là vào năm 1947, bởi chuyên gia tài chính Bernard Baruch, một cố vấn kinh tế cho Tổng thống Wilson trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và cho Tổng thống Roosevelt trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai.
[Mỹ, Trung bắt đầu áp mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau]
Tổng thống Kennedy trong bài diễn văn nhậm chức năm 1961 của mình đã gọi cuộc xung đột này là “một cuộc đấu tranh chạng vạng kéo dài” nhằm bảo vệ tự do trên toàn cầu.
Và Tổng thống Reagan thì nói rằng cuộc chiến sẽ kết thúc khi chế độ Liên Xô sụp đổ, điều đã xảy ra vào năm 1991.
Chiến tranh Lạnh là một nỗ lực đa chiều về kinh tế, quân sự và hệ tư tưởng kéo dài nhiều thập kỷ, nơi những lợi ích nhận được và cái giá phải trả đã được giải thích rõ ràng với người Mỹ. Và nước Mỹ đã không chiến đấu một mình: Các thể chế toàn cầu, bao gồm NATO, cũng góp phần quan trọng làm nên chiến thắng.
Bản ghi nhớ về chiến lược an ninh quốc gia nổi tiếng năm 1982 của chính quyền Reagan đã nhấn mạnh giá trị trong việc “củng cố các liên minh hiện hữu” và thúc đẩy “một hệ thống kinh tế quốc tế vận hành tốt với những thay đổi tối thiểu về thương mại và đầu tư và các quy tắc được tôn trọng và nhất trí một cách đại trà.”
Ngoài tên gọi mang tính khơi gợi quá khứ của mình, cuộc chiến tranh Lạnh trong lĩnh vực công nghệ này thiếu vắng hầu hết tất cả các khía cạnh quan trọng để đạt được thành công như phiên bản gốc của nó.
Chưa rõ liệu có phải chính quyền của tổng thống Mỹ đương nhiệm coi việc cấm Huawei hay tiếp tục kiềm chế các công ty khác của Trung Quốc là điều gì đó hiệu quả hơn một chiến thuật ngắn hạn để đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Bắc Kinh hay không.
Nhà Trắng vừa đưa ra một lệnh miễn trừ tạm thời đối với danh sách đen hàng xuất khẩu cho Huawei. Và ngược về tháng 7 năm ngoái, chính quyền Trump cũng đã dỡ bỏ một lệnh cấm tương tự đối với tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE chỉ sau vài tháng công ty này nộp phạt tài chính.
Và mặc dù Trump có thể tự gọi mình là “Người đàn ông đánh thuế,” thì ông cũng là một “Người đàn ông của Thị trường Chứng khoán,” người đang hy vọng được tái đắc cử và không mong muốn làm cho Phố Wall phải lo ngại về một cuộc xung đột qua lại đang ngày càng leo thang trong lĩnh vực công nghệ.
Thực vậy, vào cuối tuần trước, Trump đã ám chỉ việc có thể dỡ bỏ các hạn chế áp đặt với Huawei như một phần trong thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Giả sử Trump có muốn tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới này, thì bất kỳ hình thức xung đột kinh tế dai dẳng nào cũng đều đòi hỏi một sự giải thích nghiêm túc với dư luận Mỹ.
Họ cần hiểu được chiến lược tổng thể, những mục tiêu rõ ràng và những hao tổn tiềm tàng. Cuộc đối đầu với Liên Xô đã phải trả một cái giá rất lớn bằng cả máu và tài sản, thậm chí là cả nguy cơ xung đột hạt nhân.
Một “cuộc chiến công nghệ lạnh” mà trong đó Washington nỗ lực cắt đứt hệ sinh thái công nghệ của Mỹ khỏi Trung Quốc có thể gây ra sự tổn hại với không chỉ những chiếc iPhone đắt đỏ và các danh mục tiêu dùng khác.
Các doanh nghiệp Mỹ ở khắp nơi sẽ bị giảm lợi nhuận và mất đi các thị trường - do những biện pháp hạn chế của Mỹ và cả sự trả đũa của Bắc Kinh nữa - trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy nhanh nỗ lực tự chủ trong ngành công nghệ của nước mình.
Học thuyết về lợi thế so sánh cho thấy sự tham gia ít hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu hầu như chắc chán sẽ đồng nghĩa với viêc giảm năng suất và mức sống của Mỹ. Và trong khi Mỹ đang nỗ lực giảm hợp tác với Trung Quốc, thì bao nhiêu quốc gia khác lại củng cố quan hệ của họ với Bắc Kinh. Đức, Pháp, và Hà Lan đều cho biết họ sẽ không ngăn cấm sử dụng trang thiết bị của Huawei trong việc mở rộng mạng lưới 5G trên toàn quốc của mình.
Các nhà khoa học từ nhiều nền kinh tế phát triển cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc. Các đối thủ kinh tế của Mỹ lại càng vui vẻ chấp nhận các sinh viên tài răng và những người nhập cư có tay nghề cao của Trung Quốc.
Càng tìm hiểu kỹ về ý tưởng của một cuộc chiến tranh Lạnh trong ngành công nghệ - từ sự thiếu vắng những kế hoạch nghiêm túc đến các vấn đề trong việc tách biệt hệ sinh thái công nghệ của hai nước, chúng ta càng thấy nó thật kỳ cục.
Mỹ không nên làm gì hết. Washington nên cân nhắc việc trừng phạt các công ty Trung Quốc đang sử dụng tài sản trí tuệ hay công nghệ đánh cắp được khi tham gia các thị trường của Mỹ hay hợp tác với các công ty Mỹ.
Thêm vào đó, việc hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ quân sự quan trọng hoặc các công nghệ sử dụng cho mục đích đàn áp ở trong nước cũng là điều hoàn toàn hợp lý.
Cái không hợp lý chỉ là một chính sách mà theo đó thành công phải dựa trên việc kiềm chế, thậm chí là cô lập về mặt công nghệ đối với một nền kinh tế đồ sộ./.