Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm nhìn chiến lược

70 tham luận đã được trình bày tại hội thảo “Chiến thắng Tây Bắc 1952-Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử,” tổ chức tại Sơn La.
Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Tây Bắc (10/12/ 1952-10/12/2012), ngày 5/12, tại Sơn La, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử."

Hội thảo đã nhận được 70 tham luận của các nhà khoa học xoay quanh chủ đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử” như: Chiến dịch Tây Bắc - bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam; Quân và dân khu Tây Bắc trong chiến dịch Tây Bắc 1952; Từ chiến dịch Tây Bắc năm 1952 suy nghĩ về xây dựng khu vực phòng thủ hiện nay trên địa bàn Quân khu 2; Tây Bắc qua góc nhìn địa-chính trị, địa-quân sự…

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghiên cứu, luận giải, làm nổi bật ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Tây Bắc. Trong đó, các tham luận tập trung vào một số nội dung chính như: Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng; vai trò và sự đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong chiến thắng Tây Bắc; kinh nghiệm, bài học lịch sử về chỉ đạo chiến tranh. Từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử đã tập trung phân tích và cung cấp nhiều thông tin tư liệu, khẳng định tầm nhìn và tư tưởng chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh.

Với tham luận “Tầm nhìn và chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Tây Bắc,” Đại tá, tiến sĩ Lê Văn Thái, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử tư tưởng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phân tích: Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng của Bắc Bộ Việt Nam nói riêng, của Bắc Đông Dương nói chung.

Tiến công làm chủ được Tây Bắc, ta không những bảo vệ vững chắc khu đầu não kháng chiến Việt Bắc, tạo thành thế liên hoàn nối liền một dải với hậu phương kháng chiến rộng lớn, mà còn có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu quốc tế, đặc biệt là tăng cường thêm tình đoàn kết chiến đấu Việt-Lào cùng chống kẻ thù chung. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu của bộ đội chủ lực lên Tây Bắc, nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển lên một bước mới mang tính quyết định.

Bên cạnh đó, các tham luận khác cũng cho thấy quá trình chuẩn bị, tổ chức, thực hành chiến dịch, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân dân cả nước, trực tiếp là quân và dân các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ… tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Nhiều tham luận đã nêu bật tầm vóc to lớn, ý nghĩa quan trọng; phân tích nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi. Từ đó, nêu ra nhiều bài học kinh nghiệm về chủ động tiến công địch; về phối hợp, hiệp đồng với các chiến trường cả nước, với chiến trường nước bạn Lào; xây dựng tình đoàn kết quân dân, quân với dân một ý chí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chiến lược quan trọng Tây Bắc để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Ngoài ra, các tham luận còn thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với các anh hùng, liệt sỹ, với đồng bào, đồng chí đã chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Chiến dịch Tây Bắc diễn ra từ ngày 14/10 đến 10/12/1952 với ba đợt tiến công chủ lực. Quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 6.000 địch (diệt gọn 4 tiểu đoàn và 28 đại đội); giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (khoảng 30.000km2 với 250.000 dân; đồng thời làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng và lập "Xứ Thái tự trị" của thực dân Pháp, nối thông Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh và Thượng Lào./.

Lê Hữu Quyết (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục