Chiến thắng Pol Pot là sự kiện của tình đoàn kết Campuchia-Việt Nam

Học giả Campuchia đã đề cao tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Campuchia và Việt Nam, khẳng định chiến thắng 7/1 là sự kiện lịch sử của tình đoàn kết quốc tế trong sáng, chân thành.
Chiến thắng Pol Pot là sự kiện của tình đoàn kết Campuchia-Việt Nam ảnh 1Hàng vạn người dân Thủ đô Phnom Penh đứng dọc hai bên đường, lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về nước. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 6/1, Freshnews - trang báo điện tử có lượng độc giả truy cập cao nhất hiện nay ở Campuchia, đã đăng bài viết của học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), với chủ đề xoay quanh kỷ niệm 44 năm Ngày chiến thắng 7/1, ngày giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979-7/1/2023).

Bài viết đề cao tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Campuchia và Việt Nam, khẳng định chiến thắng 7/1 là sự kiện lịch sử của tình đoàn kết quốc tế trong sáng, chân thành giữa nhân dân hai nước Campuchia và Việt Nam, mở ra trang sử mới trong quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa hai nước.

Học giả Uch Leang nhắc lại sự kiện ngày 7/1/1979, với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, quân đội và nhân dân Campuchia đã đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng nhân dân và đất nước Campuchia thoát khỏi sự giết chóc. Ngày 7/1/1979 là ngày chiến thắng diệu kỳ của nhân dân Campuchia, khép lại thời kỳ đen tối, mở ra một kỷ nguyên mới của độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội, mở đường cho công cuộc hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước.

Tác giả bài viết nhận định mối quan hệ giữa hai nước Campuchia-Việt Nam hiện nay không ngừng được các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước đề cao, củng cố và tăng cường theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài," được xác định từ năm 2005, mang lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước.

Trong lúc đang phải đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ những biến động chính trị phức tạp ở khu vực và trên thế giới, Campuchia và Việt Nam vẫn tiếp tục củng cố và mở rộng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, giúp đỡ lẫn nhau vào những thời điểm khó khăn, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Học giả Uch Leang khẳng định “mối quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam đã phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước, là mối quan hệ không chỉ mang tính truyền thống thuần túy, mà còn là mối quan hệ của tình bằng hữu, tình đồng chí chiến đấu cùng mặt trận, đồng cam cộng khổ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở mỗi quốc gia."

[Thủ tướng Hun Sen cảm ơn Việt Nam giúp Campuchia đánh đổ Pol Pot]

Tác giả nhận định trong thời gian 44 năm, kể từ ngày 7/1/1979, sau khi chế độ Pol Pot sụp đổ, đất nước Campuchia đã đi trên con đường đầy gian truân với nhiều trắc trở nhưng đúng đắn, đảm bảo sự phát triển lâu dài và thịnh vượng của Campuchia.

Dưới vương triều của Quốc vương Campuchia hiện nay và sự lãnh đạo của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đứng đầu, Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong những năm gần đây, đặc biệt là trong việc khống chế thành công đại dịch COVID-19, mở cửa đất nước trở lại và nhanh chóng khôi phục phát triển kinh tế.

Theo học giả Uch Leang, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, Campuchia đảm nhiệm chức chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN cũng như nâng cao uy tín và vị thế của Campuchia trong khu vực và trên thế giới. Campuchia cũng tổ chức thành công cuộc bầu cử hội đồng xã, phường nhiệm kỳ V, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội, đoàn kết, thịnh vượng và ổn định...

Đất nước Campuchia đã duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong hơn hai thập niên qua, chuyển mình từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình thấp và đang phấn đấu hướng tới tầm nhìn trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 với kỳ vọng đời sống của nhân dân từng bước phát triển, bình quyền, sánh vai với các nước trên thế giới.

Trước đó, ngày 5/1, bài viết trên đã được đăng toàn văn trên trang chủ của RAC và báo điện tử Swiftnews./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục