Ngày 5/5, hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài nước đã tập trung tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để thảo luận, đánh giá về Chiến thắng Điện Biên Phủ sau 60 năm kết thúc cuộc chiến.
Sức mạnh Việt Nam
Cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ diễn ra suốt 56 ngày đêm với phương án tác chiến khoa học “đánh chắc, tiến chắc,” sự tiếp tế kịp thời, tổ chức lực lượng hợp lý, tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” chiến đấu quả cảm, hy sinh của các lực lượng, quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi trọn vẹn vào ngày 7/5/1954.
Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ vai trò, vị trí của Điện Biên Phủ trong chiến lược của thực dân Pháp cũng như đối với cách mạng Việt Nam.
Các phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc và Nguyễn Mạnh Hà, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã nêu bật vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phương châm chỉ đạo chiến lược trong các Chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, Điện Biên Phủ.
Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn Điện Biên Phủ làm nơi đọ sức - trận đánh mang tính quyết định của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đề ra nhiều nghị quyết chỉ đạo các lực lượng, các địa phương huy động, tập trung mọi sức lực cho trận quyết chiến lịch sử này.
Các học giả cũng nêu bật việc củng cố hậu phương, bảo đảm hậu cần - một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh việc nêu cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện ý chí cách mạng, tăng cường tiềm lực quân sự, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ chế độ trước âm mưu chia rẽ, đánh phá của các thế lực thù địch; đẩy mạnh quan hệ và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực… tăng cường vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Vai trò của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong suốt quá trình chỉ huy chiến dịch, đặc biệt đưa ra quyết định sáng suốt, táo tạo, kịp thời, chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đưa đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng được tập trung đánh giá.
Tầm vóc thời đại
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học nhấn mạnh tầm vóc thời đại là chủ đề thu hút nhiều nhất sự quan tâm của các nhà khoa học.
Chiến thắng Điện Biên Phủ - “mốc vàng” của cách mạng Việt Nam, nêu bật ý nghĩa của chiến thắng trong tiến trình cách mạng tiếp theo của Việt Nam, trực tiếp là việc đưa đến ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, giải phóng miền Bắc, tạo cơ sở vững chắc để nhân dân Việt Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước năm 1975.
Về ý nghĩa quốc tế, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thay đổi cục diện khu vực Đông Nam Á và thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ như “tiếng sấm” thức tỉnh, mở ra thời kỳ đấu tranh và thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là đối với các nước Á, Phi, Mỹ-Latinh.
Một số nhà khoa học đi sâu phân tích ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc độ mở ra thời kỳ đấu tranh bằng hòa bình.
Thượng tướng Dương Đức Hòa, Tư lệnh Quân khu 2 đã nêu rõ những kinh nghiệm, bài học về công tác tham mưu chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mà Quân đội Nhân dân Việt Nam vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Riêng đối với tỉnh Điện Biên - nơi diễn ra trận chiến lịch sử cách đây 60 năm, các học giả nêu rõ nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang cũng như nhân dân Điện Biên phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ để xây dựng và bảo vệ quê hương.
Phó giáo sư-tiến sỹ Annatoly Sokolov, Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga cung cấp thêm nhiều tư liệu mới về Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như quá trình kỳ công của các nhà quay phim Liên Xô về Chiến thắng Điện Biên Phủ, việc lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh ngày nay, Đảng và nhân dân Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Việc nghiên cứu, làm rõ hơn ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc nhằm phát huy sức mạnh toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.