Báo Le Figaro đã có bài bình luận cho rằng sự sụp đổ của chính quyền Kabul đã đánh dấu thắng lợi về chiến thuật của Islamabad, đồng thời nhận định rằng diễn biến mới ở Afghanistan khiến Pakistan có nguy cơ đối mặt với nguy cơ phong trào thánh chiến lan sang nước này.
Trở lại quá khứ, ngày 14/9/2001, Tổng thống Pakistan khi đó là Pervez Musharraf đã khai mạc cuộc họp của các quân đoàn trưởng, những sỹ quan quyền lực nhất trong quân đội trong một bầu không khí hết sức căng thẳng.
Trước đó một ngày, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Armitage đã trao danh sách 7 yêu cầu cho giám đốc Cơ quan tình báo quân đội Pakistan. Theo đó, Islamabad được lệnh cắt tất cả viện trợ quân sự và hậu cần cho Taliban, tổ chức bảo trợ cho Osama Bin Laden.
Chế độ độc tài của Musharraf phải đóng sập cửa biên giới để ngăn chặn các tay súng Pakistan muốn sát cánh chiến đấu cùng Taliban. Pakistan phải mở các căn cứ quân sự và không phận của mình cho máy bay ném bom của Mỹ. Nếu Islamabad không thực hiện theo những yêu cầu này, thì Washington sẽ cân nhắc tấn công Pakistan.
Tại cuộc họp, Pervez Musharraf buộc phải nói với các sỹ quan quân đội cấp cao rằng ông không còn lựa chọn nào khác là phải phục tùng. Viên thuốc này thật khó nuốt.
Ngay sau khi phong trào Taliban nổi lên vào năm 1994, Pakistan đã cung cấp vũ khí, nhiên liệu và máy bay chiến đấu cho lực lượng Hồi giáo trong cuộc chiến chống lại các phe phái quân sự thống nhất trong "Liên minh phương Bắc."
[Tình hình Afghanistan: Taliban bổ nhiệm thêm nhiều vị trí chủ chốt]
Pakistan muốn ngăn cản Ấn Độ trở thành là một cường quốc thống trị ở Nam Á, nên đã trông cậy vào Kabul. Hơn nữa, nếu nghe theo yêu cầu của Mỹ, Islamabad phải quay lưng lại với Taliban trong khi phong trào này vẫn nuôi một ý thức hệ gần gũi với các nhóm binh sỹ Pakistan đang hoạt động chống lại quân đội Ấn Độ ở Kashmir - vùng lãnh thổ mà hai cường quốc hạt nhân Nam Á đang tranh giành chủ quyền.
Việc Islamabad từ bỏ đồng minh Taliban và "sự nghiệp" Kashmir sẽ gây hoang mang dư luận trong nước.
Musharraf đã thuyết phục được các tướng lĩnh bằng lập luận thẳng thừng rằng nếu từ chối hợp tác với Washington, Ấn Độ sẽ tận dụng cơ hội để trở thành đồng minh trung thành của Mỹ. Pakistan sẽ bị cộng đồng quốc tế tẩy chay nhân danh cuộc chiến chống khủng bố. Kết quả của cuộc họp đó là các chỉ huy quân đội đã chấp nhận thực hiện theo danh sách yêu cầu của Washington.
"Những cái gật đầu đó" đã khởi đầu cho 20 năm giằng co giữa nhu cầu tìm kiếm lợi ích từ Mỹ và nhu cầu bảo vệ Taliban ở Afghanistan. Bất chấp hàng tỷ USD viện trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush và sau đó là chính quyền Barack Obama, từ đầu những năm 2000, Islamabad đã cung cấp nơi ẩn náu cho tàn quân Taliban rời bỏ đất nước của họ. Cuối năm 2001, thủ lĩnh tinh thần Mullah Omar của Taliban đã có thể vượt biên giới Pakistan bằng một chiếc mô tô mà không gặp bất cứ cản trở nào.
Nhân vật này được cho là đã sống ở Quetta, thủ phủ của Balochistan, tỉnh phía Tây Pakistan, nơi trở thành hậu cứ cho tổ chức của Taliban.
Theo báo New York Times, ngay từ năm 2003, các phần tử Hồi giáo đã tự do tập hợp lực lượng tại giao lộ Mizan, cách một căn cứ không quân khoảng hai chục phút đi xe và thề sẽ giành lại chính quyền ở Afghanistan.
Họ sống trong các trại tị nạn hoặc các cơ sở học đường Hồi giáo. Họ cũng có mặt ở Peshawar, thành phố lớn phía Tây Bắc Pakistan hoặc ở Karachi, nơi hoạt động gây quỹ cho "thánh chiến" diễn ra rất sôi nổi.
Sau đó, giới chức địa phương đã nhanh chóng ban hành lệnh cấm các nhà báo nước ngoài đến Quetta. Những người sống tại quốc gia này đã bị các đặc vụ tình báo quân đội Pakistan xem xét kỹ lưỡng và ngăn chặn mọi sự liên lạc. Sự hiện diện của Taliban ở nơi này được đảm bảo không thể lan truyền trên báo chí.
Tuy nhiên, đây vẫn là một bí mật mở mà các đại diện chính phủ Pakistan đã ngầm thừa nhận cho dù luôn có những phủ nhận chính thức. Khi được hỏi về áp lực của Mỹ đối với các chiến dịch chống Taliban, một quan chức cấp cao ở Islamabad đã biện minh cho sự "bất động" của Pakistan cách đây hai năm: "Những người này không tấn công chúng tôi mà đang sống với chúng tôi một cách hòa bình."
Trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình Pakistan hôm 27/6 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Sheikh Rashid Ahmed thậm chí còn thẳng thắn hơn: “Taliban có gia đình của họ sống ở đây, những vùng ngoại ô thủ đô như Rawat, Lohi Bhair, Barakahuh, Tarnol. Đôi khi họ được chăm sóc trong các bệnh viện của chúng tôi hoặc xác của họ cũng được đưa đến chỗ chúng tôi."
Sự sụp đổ của chế độ Ashraf Ghani đánh dấu một chiến thắng chiến thuật của Islamabad, nhưng đồng thời cũng khiến Pakistan đứng trước nguy cơ các phần tử thánh chiến lan sang nước này. Taliban có quan hệ mật thiết với Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), một liên minh các nhóm vũ trang nuôi giấc mộng lật đổ nhà nước Pakistan.
Một báo cáo của Liên hợp quốc hồi tháng 6 cho biết: “Cho dù còn nhiều nghi ngờ, nhưng TTP và Taliban vẫn duy trì một mối quan hệ lâu dài. Đây là cách nhóm Hồi giáo giữ một đòn bẩy để không quá phụ thuộc vào các đòi hỏi của Pakistan"./.