Chiến thắng 30/4 in đậm trong tâm trí trí thức Việt kiều Bỉ

Chiến thắng 30/4 in đậm trong tâm trí những trí thức Việt kiều tại Bỉ

Hội của những cựu du học sinh Việt Nam tại Bỉ trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ đã tổ chức triển lãm tranh và chiếu phim tư liệu về những hoạt động của Hội giai đoạn 1972-1975.
Chiến thắng 30/4 in đậm trong tâm trí những trí thức Việt kiều tại Bỉ ảnh 1Ông Lê Long, Ralph Coeckelberghs và những cựu du học sinh Việt Nam tại Bỉ đang ôn lại kỷ niệm qua các bức áp phích. (Ảnh: Hương Giang/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày 25/4, hội Trường Sơn - hội của những cựu du học sinh Việt Nam tại Bỉ trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ - đã tổ chức triển lãm tranh và chiếu phim tư liệu về những hoạt động yêu nước của Hội trong thời gian từ năm 1972-1975, tại "Hội quán", trụ sở của Hội sinh viên Việt Nam yêu nước tại Bỉ hồi sau giải phóng, ở thủ đô Brussels.

Đây là những bức ápphích do các sinh viên Việt Nam thời kỳ chiến tranh đang du học tại Bỉ vẽ để quảng bá về các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền kêu gọi bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông Lê Long, một trong những thành viên nòng cốt của Hội sinh viên Việt Nam yêu nước thời đó, hiện đang công tác tại một viện nghiên cứu của Bỉ, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm mà đối với ông vẫn "nóng hổi" như ngày hôm qua.

Trong tâm trí ông vẫn hiện rõ những sự kiện lớn trong suốt những năm từ 1972-1975 mà các sinh viên Việt Nam yêu nước tổ chức tại các thành phố lớn của Bỉ như Liège, Mons, Charleroi. Đó là những đêm cả nhóm vẽ mẫu rồi thức in biểu ngữ, ápphích quảng bá về các hoạt động văn nghệ. Rồi những đêm dân ca, sử ca, tranh đấu ca, những đêm biểu diễn cứu trợ đồng bào miền Nam, các đêm hát nhạc sinh viên Sài Gòn, trình diễn vở kịch thơ "Tiếng gọi Lam Sơn," "Đêm hòa bình," hay những buổi làm nem vừa để quảng bá ẩm thực Việt Nam vừa bán lấy tiền ủng hộ cho đồng bào trong nước.

Ông Lê Long cho biết bên cạnh việc học tập, những sinh viên Việt Nam yêu nước đều chú trọng tuyên truyền nhằm lôi kéo những sinh viên tiến bộ tại Bỉ ủng hộ cho phong trào cách mạng của Việt Nam.

Nhắc đến ngày 30/4 lịch sử, ông Lê Long không giấu được xúc động. Ông kể rằng sáng hôm đó, khi được tin Sài Gòn giải phóng, cả nhóm sinh viên Việt Nam ở thành phố Mons được một người bạn đưa đi ăn trưa mừng chiến thắng. Trên xe, tất cả đều vô cùng sung sướng và hát vang những ca khúc cách mạng. Còn buổi tối thì thực sự là một ngày hội của sinh viên Việt Nam - ca hát thâu đêm tưởng chừng như niềm vui không thể chấm dứt.

Các hoạt động của nhóm sinh viên yêu nước Việt Nam đều được những người bạn tiến bộ của Bỉ ủng hộ. Họ luôn theo sát các bạn Việt Nam và bảo vệ họ khỏi những sinh viên chống cộng. Một trong những thành viên tích cực hồi đó là ông Ralph Coeckelberghs, cựu Chủ tịch Hội sinh viên tiến bộ Đại học Tự do Brussels, thời kỳ 1971-1973.

Ông Coeckelberghs là người luôn tích cực tham gia các phong trào hoạt động của sinh viên yêu nước Việt Nam, cũng như các cuộc biểu tình tại Bỉ nhằm phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Ông đã từng cùng các sinh viên Việt Nam tham gia biểu tình bằng tuyệt thực hồi tháng 4/1972 để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Ralph Coeckelberghs nhấn mạnh : "Tôi sinh ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi biết về cuộc chiến qua các bài học về chính trị. Cuộc biểu tình đầu tiên mà tôi tham gia vào tháng 8/1964 để phản đối việc Mỹ ném bom cảng Hải Phòng. Tình yêu nước của các bạn Việt Nam đã lan tỏa sang tôi. Từ đó, tôi thường xuyên tham gia các phong trào của sinh viên Việt Nam tại Bỉ."

Ngày 30/4/1975, khi được các bạn Việt Nam thông báo Mỹ đã thua và phải rút quân khỏi Việt Nam, ông Coeckelberghs vui mừng khôn xiết. Ông đã mua rất nhiều hoa hồng tặng cho những người bạn Việt Nam. Họ cùng ôm nhau nhảy múa và reo vang : "Chiến tranh kết thúc rồi. Việt Nam giải phóng rồi !"

Từ đó đến nay, ông Coeckelberghs tích cực tổ chức các chương trình ủng hộ Việt Nam. Ông là thành viên của Hội hữu nghị Bỉ-Việt và là Tổng Thư ký tổ chức Solidarité Socialiste (Đoàn kết xã hội) và tiến hành nhiều dự án hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ y tế.

Chiến tranh đã kết thúc ở Việt Nam từ 40 năm nay. Những trí thức Việt kiều và những người bạn Bỉ yêu Việt Nam vẫn tiếp tục hướng về đất nước với mong muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc ngày càng vững mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục