Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển đảo là một phần thiêng liêng không thể tách rời. Bằng mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng bao đời, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.
Kế thừa truyền thống cha ông, việc huy động các nguồn lực ủng hộ Trường Sa nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực quản lý biển, đảo của Tổ quốc đã và đang triển khai mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương cùng quân dân cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ động tăng gia sản xuất
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, học tập, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, hiện nay các cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại nhiều điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn tích cực tăng gia sản xuất với những hình thức đa dạng cho hiệu quả tốt như chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt hải sản.
Trên đảo Trường Sa Đông, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi "lạc" vào vườn rau xanh mướt với đủ loại rau như muống, cải xanh, diếp cá, mùng tơi, dền.... Các chiến sỹ trên đảo cho biết vườn rau này do các chiến sỹ trẻ trên đảo trồng, đáp ứng tương đối nhu cầu hàng ngày.
Tại đảo Sinh Tồn, ngoài việc trồng rau xanh, các chiến sỹ trên đảo còn chăn nuôi để cải thiện bữa ăn hàng ngày, đặc biệt còn cung cấp các giống vật nuôi, cây trồng cho nhân dân trên đảo.
Theo Ban Chỉ huy các đảo, trong quý 1/2014, tại đảo Đá Lớn B đã tăng gia sản xuất đạt được kết quả gồm 180kg rau xanh các loại, 115kg thịt gia súc, gia cầm và 115kg cá các loại. Còn tại đảo Sơn Ca, các hoạt động tăng gia sản xuất rất được cán bộ, chiến sỹ chú trọng nên trong năm 2013, họ đã thu được hơn 9.000kg rau xanh các loại, 1.745kg thịt gia súc, gia cầm và 2.758kg cá các loại. Riêng đảo Nam Yết, tổng giá trị tăng gia sản xuất trong năm 2013 đạt gần 300 triệu đồng, đảo Sinh Tồn đạt hơn 150 triệu đồng...
Tuy nhiên để đạt được những kết quả đáng khích lệ trong tăng gia sản xuất, cán bộ, chiến sỹ ở đảo phải khắc phục rất nhiều khó khăn. Điển hình ở các đảo nổi, các chiến sỹ thường bố trí những khu vực nhất định để trồng trọt hoặc tận dụng diện tích ven bờ biển để chăn nuôi, nhưng đối với các đảo chìm thì việc này khó khăn hơn do diện tích hạn chế nên họ phải chủ động áp dụng nhiều giải pháp để tăng gia sản xuất.
Ngoài ra, nhằm phục vụ cho các hoạt động tăng gia sản xuất, cán bộ, chiến sỹ phải vận chuyển từ đất liền từng bao đất nhỏ, tận dụng vật liệu xây dựng vườn rau có thể di chuyển linh hoạt phù hợp với điều kiện thời tiết theo từng mùa trong năm. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt khan hiếm nên các cán bộ, chiến sỹ phải có phương thức sử dụng hợp lý đối với sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt mới đảm bảo được công tác tăng gia sản xuất cho năng suất cao.
Đại úy Trương Hồng Phượng, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin chia sẻ mặc dù làm việc và sinh sống trong điều kiện khắc nghiệt nhưng các cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn phát huy tinh thần sáng tạo, cần cù trong tăng gia sản suất, nhờ vậy cải thiện được bữa ăn hàng ngày, nâng cao chất lượng đời sống quân dân, đồng thời đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới. Tuy nhiên, hoạt động tăng gia sản xuất không chỉ có ý nghĩa là tạo nguồn thực phẩm tươi sống, giàu dinh dưỡng mà còn là góp phần làm phong phú đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng hải sản
Dự án “Thí điểm nuôi trồng hải sản đảo Đá Tây Trường Sa” được Hải đoàn 129 Hải quân thực hiện từ tháng 2/2007 đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực. Từ khi thực hiện dự án, Hải đoàn đã nuôi thí điểm một số đối tượng gồm cá mú, cá chim trắng, cá chẽm, cá hồng đen... thông qua việc áp dụng công nghệ nuôi cá lồng biển của Na Uy. Tổng số cá được thả trong thời gian qua gần 46.000 con, đồng thời khi cá có trọng lượng đạt từ 1-2 kg/con trở lên thì các cán bộ Hải đoàn đưa vào đất liền tiêu thụ.
Theo thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội nuôi cá Hải đoàn 129, mặc dù việc triển khai dự án gặp không ít khó khăn như khu vực nuôi xa đất liền, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, công nghệ mới nhưng với quyết tâm cao vừa làm vừa học hỏi nên Dự án “Thí điểm nuôi trồng hải sản đảo Đá Tây Trường Sa” đã đạt được thành công nhất định.
Tính đến nay, Hải đoàn đã từng bước nắm bắt kỹ thuật nuôi, xác định được một số giống nuôi thích ứng với điều kiện tự nhiên của Trường Sa, phát triển nhanh, mang lại giá trị kinh tế cao gồm cá chim trắng, cá mú, cá chẽm…
Bên cạnh đó, các hoạt động tổ chức huấn luyện, đào tạo lý thuyết cũng như thực hành thực tế cũng được tổ chức cho hơn 130 lượt người tham gia công tác nuôi trồng hải sản tại quần đảo Trường Sa với mỗi lượt từ 2-3 tháng. Hơn thế, dự án là một trong những chương trình thiết thực, đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho khu vực xa đất liền với nhiều tiềm năng, góp phần thực hiện mục tiêu dân sự hóa và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đặc biệt khu dịch vụ, hậu cần nghề cá đảo Đá Tây là một trong những nơi cung cấp nước ngọt miễn phí; sửa chữa tàu thuyền; bán xăng dầu và lương thực, thực phẩm; thu mua hải sản... để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, giảm chi phí đắt bắt cũng như tăng thu nhập cho từng chuyến ra khơi.
Hàng năm khu vực này đã cung cấp miễn phí hơn 1.000m3 nước ngọt; bán hơn 400.000m3 xăng dầu và hơn 20 tấn lương thực, thực phẩm đồng thời sửa chữa hàng chục tàu thuyền của ngư dân. Vì vậy, đảo Đá Tây đã trở thành một trong những điểm tựa vững chắc cho tàu thuyền đánh bắt dài ngày của ngư dân, thiết lập được mối quan hệ tốt và thường xuyên trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình của khu vực.
Tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển
Nhằm khai thác hiệu quả nguồn lợi hải sản dồi dào, hàng năm cán bộ, chiến sỹ quần đảo Trường Sa đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với chỉ huy lãnh đạo các cấp, kịp thời thông tin và hỗ trợ ngư dân về mọi mặt trong việc đánh bắt xa bờ và phấn đấu trở thành cơ sở vững chắc cho ngư dân bám biển.
Trung úy Phan Văn Huỳnh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn B cho biết hoạt động của ngư dân trong khu vực đảo Đá Lớn B trong năm 2013 là hơn 250 lượt và năm 2013 là khoảng 600 lượt, đồng thời không xảy ra tình trạng tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt, Ban chỉ huy đảo và cán bộ, chiến sỹ đã tích cực giúp đỡ ngư dân thông qua nhiều hình thức thông tin, phát tín hiệu; tạo điều kiện trú ngụ, tránh bão. Cụ thể, trong năm 2013 và quý 1/2014, đảo Đá Lớn B đã hỗ trợ hơn 2.500 lít nước ngọt cho các tàu cá, cấp cứu và khám chữa bệnh cho ngư dân.
Đảo Sơn Ca là một trong những đảo lớn của quần đảo Trường Sa, số lượng tàu cá ra đánh bắt tại khu vực quản lý khá nhiều, bình quân 32 tàu/tháng, chủ yếu là ngư dân thuộc tỉnh Quãng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang, Tiền Giang...
Theo Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, công tác cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là những lúc ngư dân gặp khó khăn về dự trữ lương thực, thực phẩm do sóng to, biển động, giông bão không vào được bờ luôn được đảo Sơn Ca chú trọng thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển. Trong đợt áp thấp nhiệt đới tháng 10/2013, đảo Sơn Ca đã cứu nạn hai tàu của ngư dân Bình Định và lai dắt về đảo trông giữ trong điều kiện sóng to gió lớn hơn một tuần, sau đó liên hệ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan đã lai dắt tàu vào bờ an toàn.
Thiếu tá Trịnh Công Lý, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sinh Tồn cho rằng nhằm hướng đến mục tiêu đến 2020, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, cần có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích ngư dân tham gia tích cực khai thác, đánh bắt hải sản ngày càng đông và hiệu quả hơn.
Song song đó, cần thực hiện các chương trình hành động thiết thực, tập trung tuyên truyền về quần đảo Trường Sa và tiếp tục dành cho Trường Sa nguồn động viên lớn về vật chất cũng như tinh thần nhằm triển khai thành công mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo bền vững./.