Chiến sỹ "diệt giặc dốt" hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng những ký ức trong 2 lần gặp Bác Hồ chưa từng phai mờ trong tâm trí của ông Bùi Văn Hướng, xã Liên Sơn, Ninh Bình.
Ông Bùi Văn Hướng đang chỉ cho các cháu học sinh xem bức thư khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào 'diệt giặc dốt' của xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng những ký ức trong hai lần gặp Bác Hồ chưa từng phai mờ trong tâm trí của ông Bùi Văn Hướng, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, những lời căn dặn của Người luôn là kim chỉ nam, là động lực giúp ông Hướng phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Chiến sỹ "diệt giặc dốt"

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ ông Hướng đã rất thông minh và chăm chỉ học tập. Đoạt giải nhất kỳ thi Sơ học yếu lược (tương đương với lớp 6) nhưng ông Hướng không học lên nữa mà tình nguyện ở lại xã làm giáo viên bình dân học vụ không hưởng lương tham gia vào phong trào "diệt giặc dốt" do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi. Năm 1948, ông được bầu làm Trưởng ban Bình dân học vụ xã Liên Sơn.

Để phong trào học chữ quốc ngữ lan rộng, ông Hướng đã có nhiều sáng kiến để vận động bà con đến lớp. Ông đã thành lập Ban bình dân học vụ tại mỗi xóm gồm 3 đến 5 cụ bô lão có uy tín và trách nhiệm đến từng nhà vận động nhân dân đi học và quyên góp giấy, bút, mực.

Mỗi lớp có một ban quản lý gồm 3 đến 5 người để nắm sĩ số lớp và duy trì lớp học thường xuyên. Cùng với đó, ông Hướng lập các "lớp gia đình," người biết chữ dạy cho người không biết chữ; thành lập các lớp học, giờ học tùy theo công việc, thời vụ của người dân và tổ chức hình thức hỏi bảng chữ cái tại cổng ra vào chợ hoặc cổng làng giúp người dân nhớ mặt chữ và học ở mọi nơi; vận động người dân tận dụng các vật liệu trong gia đình như cửa để làm bảng, vôi làm phấn để phục vụ việc học.

Vì điều kiện ở địa phương thiếu giáo viên, ông Hướng đã động viên các em biết chữ tranh thủ thời gian rảnh cùng tham gia dạy chữ cho đồng bào. Theo định kỳ 6 tháng 1 lần, ông Hướng tổ chức họp để bình bầu cán bộ Ban bình dân học vụ xóm, học sinh tiêu biểu và tặng giấy báo công ghi nhận thành tích của các cá nhân trong công tác "diệt giặc dốt" của xã.

Hàng năm, ngày bình dân học vụ 8/9, ông Hướng tổ chức míttinh, kêu gọi bà con tham gia đi diễu hành khắp các xóm để phong trào có sức lan tỏa đến từng nhà, từng người dân.

Ông Hướng cho biết, trong bối cảnh những năm nạn đói vừa diễn ra, việc vận động người dân đi học rất khó khan. Phần lớn học sinh đều là người lớn tuổi nên việc tiếp thu chậm, giáo viên thiếu, một số em tuy biết chữ nhưng thiếu kinh nghiệm nên nhiều lớp không thể duy trì.

Trước thực tế đó, ông không nản lòng mà cùng các cụ bô lão tiếp tục đến từng thôn xóm, từng nhà người dân để vận động bà con, lớp nào tan rã lại được thành lập, phát động thi đua giữa các lớp, các thôn xóm. Nhờ đó, phong trào bình dân học vụ ở Liên Sơn ngày càng phát triển. Nhiều người đã quyên góp giấy, mực, gỗ để đóng bàn ghế và cho mượn nhà làm lớp học. Mỗi xóm đã tổ chức được 3 đến 4 lớp học, có lớp sỹ số học sinh lên đến 40 người/lớp.

Từ xã có 95% số dân mù chữ, đến năm 1956, xã Liên Sơn là một trong những địa phương thanh toán nạn mù chữ đầu tiên trên cả nước. Nhờ thành tích trong phong trào "diệt giặc dốt," nhân dân xã Liên Sơn được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Trong thư, Bác Hồ viết: "Tôi rất vui lòng được báo cáo nhiều nơi đồng bào đã thanh toán nạn mù chữ. Nông thôn cả nước, Vĩnh Khang là xã dẫn đầu trong thành tích thoát nạn mù chữ, rồi tiếp đến các xã Tam Cường, Liên Sơn, Diên Liên và nhiều xã khác. Các thị xã thì Phát Diệm là thị xã đã thanh toán nạn mù chữ trước nhất. Đó là một thắng lợi vẻ vang bước đầu trên mặt trận văn hóa; vẻ vang riêng cho đồng bào các địa phương ấy, và vẻ vang chung cho cả nước ta. Có thắng lợi ấy là nhờ sự đoàn kết nhất trí; toàn thể đồng bào cố gắng, toàn thể cán bộ - nhất là cán bộ bình dân học vụ - tận tụy không ngừng. Tôi thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái gởi lời khen ngợi đồng bào và cán bộ, đồng thời khuyên đồng bào và cán bộ tiếp tục cố gắng học thêm mãi để tiến bộ mãi...."

Với những thành tích đã đạt được, ông Bùi Văn Hướng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, vinh dự được gặp Bác Hồ và được Bác trao Huy hiệu Hồ Chí Minh.

In đậm ký ức hai lần gặp Bác

Đến nay, dù đã tuổi đã cao nhưng khi kể về hai lần gặp Bác, đôi mắt của ông Hướng lại ánh lên niềm tự hào. Ông bồi hồi nhớ lại, đầu năm 1957, ông nhận được thông báo của Bộ Giáo dục về đón ông lên Hà Nội công tác. Chỉ khi xe đưa ông Hướng đến Phủ Chủ tịch, ông mới biết được gặp Bác Hồ khiến ông không khỏi hồi hộp và xúc động. Đặt chân vào phòng khách Phủ Chủ tịch, căn phòng được bài trí ngăn nắp, trang nghiêm.

Bác Hồ bước vào, hỏi thăm sức khỏe của ông và gia đình cùng các hoạt động giáo dục tại địa phương. Sau đó, Bác trực tiếp đeo huy hiệu của Người lên áo ông Hướng, tặng ông một bộ quần áo kaki màu sữa và ân cần dặn dò, thành tích mà ông có được là do nhân dân, vì thế không được tự mãn mà phải phát huy hơn nữa, phải học và học mãi, phải khiêm tốn thật thà với dân để xứng đáng với sự tin tưởng và giao phó của nhân dân.

Năm 1958, ông Hướng lại vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc họp tại Nhà hát lớn Hà Nội. Buổi sang khai mạc, Bác Hồ đã đến thăm các đại biểu và nói chuyện. Lần này, dù chỉ được đứng dưới nhìn Bác nhưng ông cũng cảm thấy rất tự hào.

Bác Hồ xuất hiện giản dị trong bộ trang phục kaki, khuôn mặt phúc hậu khiến mọi người đều cảm thấy gần gũi. Bác Hồ căn dặn, các chiến sỹ thi đua có mặt tại đại hội phải gương mẫu phấn đấu hăng hái làm việc thật nhiều cho nước, cho dân để mãi xứng đáng với danh hiệu anh hùng chiến sỹ thi đua.

"Mỗi lần gặp Bác chỉ trong vài phút nhưng để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Tôi học được ở Người rất nhiều điều để áp dụng vào cuộc sống từ đức tính giản dị, khiêm tốn đến sự quan tâm tới mọi người xung quanh, quý trọng dân, lo cho dân, luôn đặt lợi ích của dân lên trên hết," ông Hướng chia sẻ.

Nghe theo lời Bác, ông Hướng đã tiếp tục học hết lớp 10 và cố gắng trau dồi thêm nhiều kiến thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ giáo dục tại địa phương. Mặc dù đủ tiêu chuẩn hưởng nhiều đãi ngộ, ưu tiên nhưng ông Hướng đều từ chối mà xin về dạy tại trường tiểu học Liên Sơn.

Những năm tháng còn gian khó, lương của người giáo viên ít ỏi, dù đã tiết kiệm chi tiêu nhưng cuộc sống gia đình vẫn khó khăn nhưng nhớ lại những lần gặp Bác, những lời căn dặn của Người đã thôi thúc ông tiếp tục bám nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Hướng chia sẻ, nghề giáo viên tuy nghèo khó nhưng vinh quang. Ngoài việc truyền thụ cho học sinh kiến thức văn hóa, ông còn truyền cho các em lòng yêu Tổ quốc, kể cho các em nghe những kỷ niệm về Bác, khuyên bảo các em học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ từ những việc làm nhỏ nhất.

Không chỉ làm thầy giáo, ông Hướng còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ tại địa phương và luôn hoàn thành với chất lượng tốt. Đối với ông, lời Bác dạy đã khắc sâu trong tâm trí, để mỗi việc làm, hành động của ông luôn xứng đáng với những tấm huân chương, huy hiệu cao quý Đảng, Nhà nước trao tặng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục