Những ngày tháng Năm, theo đoàn công tác số 13 trên con tàu HQ 561 ra “tiếp lửa” cho quân, dân Trường Sa-nhà giàn DK1, chúng tôi đã nhiều lúc không giấu nổi sự nghẹn ngào, xúc động khi được gặp, được xem và nghe những tiếng hát, tiếng cười sảng khoái, lạc quan của những chiến sỹ nơi đảo xa.
Nói là đi “tiếp lửa” cho Trường Sa nhưng chính sự lạc quan, yêu đời của những con người nơi đây đã ''truyền lửa'' lại cho mỗi người chúng tôi.
Hát mãi khúc quân ca chiến sỹ Trường Sa
Đã nhiều lần được dự xem trực tiếp các chương trình văn nghệ nhưng có lẽ với chúng tôi, được tham dự và hòa mình trong các buổi giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa Lớn và các điểm đảo, nhà giàn mà đoàn công tác tới thăm thực sự mang cảm giác đặc biệt, đầy ắp xúc cảm.
Trước khi ra thăm Trường Sa, chúng tôi đã nghe kể về tài năng ca hát của lính đảo và nay được “mục sở thị” nhưng vẫn không khỏi bất ngờ.
Trong khung cảnh nền không gì phù hợp hơn, một đêm trăng đầy sao ở Trường Sa Lớn, nơi đảo xa mênh mông biển nước, khán giả thực sự ngất ngây, đắm chìm trong ca khúc ''Thuyền và biển'' từ giọng ca da diết, trầm ấm cùng phong cách biểu diễn rất "tài tử" của Thượng úy Vương Đình Chinh.
Và rồi tất cả bỗng cuồng nhiệt, trong loạt hát múa sôi động liên khúc ca ngợi người lính Trường Sa, trong đó có ''Khúc quân ca Trường Sa'' – được lính đảo gọi vui là “quốc ca của Trường Sa” - do đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” của đảo thể hiện.
Chiến sỹ trẻ Nguyễn Quốc Đức, vừa kết thúc phần biểu diễn trên sân khấu, trán đẫm mồ hôi, hồ hởi chạy về phía tôi khoe tiết mục mọi người vừa xem là tiết mục anh và đồng đội cùng các nữ cư dân ở đảo mới biên đạo và tập luyện.
Một thành viên đội văn nghệ xung kích Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, đứng cạnh tôi thốt lên: “Đức ơi! Bọn em biểu diễn chuyên nghiệp lắm. Chị thực sự bất ngờ với màn biểu diễn của các em đấy!”
Đức tâm sự, lính đảo ở Trường Sa yêu ca hát, văn nghệ lắm và coi đó là nhu cầu thiết yếu như luyện tập thể dục hàng ngày. Hồi mới ra đảo, Đức nói anh luôn bị vây bọc bởi một không khí cô đơn, biệt lập nhưng rồi được chỉ huy, anh em trong đơn vị động viên tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ của đảo, anh thực sự cảm thấy lạc quan, trẻ trung, tươi mới.
Đức cho biết sau những giờ huấn luyện, anh và các đồng đội thường hát cho nhau nghe, thậm chí tự hát thầm khi đứng gác, những ca khúc về biển đảo, quê hương, tình đồng chí, đồng đội. Qua đó, các anh động viên lẫn nhau vững tâm, vượt qua khó khăn trong công tác, thực thi nhiệm vụ nơi đảo xa.
Hiểu được tâm lý lính Trường Sa, yêu văn nghệ, thích ca hát, trong mỗi chuyến công tác ra đảo mùa lặng sóng, Quân chủng Hải quân luôn cơ cấu một tổ văn công theo đoàn.
Mỗi khi hay tin có đoàn công tác ra thăm đảo, đặc biệt trong đoàn lại có văn công, anh em trên các đảo mừng lắm. Vậy là được chiêu đãi “tiệc văn nghệ.” Ai cũng háo hức mong chờ đến giờ giao lưu văn nghệ.
Và trong những buổi giao lưu văn nghệ đó, những người chiến sỹ thực sự thả hồn mình trong âm nhạc, “phiêu” cùng các nghệ sỹ.
Những màn nhảy múa cuồng nhiệt, những tiếng hát sâu lắng được cất lên từ những “nghệ sỹ” mặc áo lính khiến chúng tôi thực sự rung động, cảm phục tinh thần lạc quan, yêu đời vượt qua phong ba, bão táp của các anh.
Để rồi, khi chia tay các anh, trong mỗi chúng tôi vẫn vang vọng trong tâm trí đoạn điệp khúc của ''Khúc quân ca Trường Sa:''
''Chiến sỹ Trường Sa, hát tiếp bài ca
Về những tấm gương anh bộ đội cụ Hồ,
Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ Quốc Việt Nam ta.
Giữ vững chủ quyền Tổ Quốc Việt Nam ta!''
Tiếng hát chiến sỹ vượt ngàn cây số ra Thủ đô
Cùng với ca khúc ''Nơi đảo xa,''
''Khúc quân ca Trường Sa'' là bài hát mà chúng tôi được nghe nhiều lần trong suốt hành trình ra Trường Sa-nhà giàn DK1.
Với bài ''Khúc quân ca Trường Sa,'' chúng tôi đã may mắn chứng kiến một màn biểu diễn đặc biệt ca khúc này.
Giữa biển trời bao la, trên nhà giàn DK1/21 vững vàng trước sóng gió nơi thềm lục địa phía Nam, Thiếu úy Bùi Hữu Phú cùng anh em chiến sỹ trên nhà giàn cất cao ''Khúc quân ca Trường Sa'' qua sóng điện thoại tới một thính giả đặc biệt ở tận thủ đô Hà Nội, cách nhà giàn cả nghìn cây số. Vị thính giả đặc biệt đó chính là tác giả của bài hát, nhạc sỹ Đoàn Bổng.
Có lẽ trong suốt cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, đây có lẽ là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của người nhạc sỹ tài hoa này.
Còn với chúng tôi, những người trực tiếp xem tại thực địa, thực sự không kìm được sự xúc động.
Các anh, những chiến sỹ hải quân can trường nơi đầu sóng, ngọn gió, thiếu thốn tình càm qua lời ca, tiếng hát của mình đã thể hiện một tình yêu dạt dào với quê hương, đất nước, đồng bào. Đó không phải là một tình yêu của sự nhớ nhung bi lụy mà ngược lại, nó là thứ tình yêu được chuyển thành lòng quả cảm, sự lạc quan, sẵn sàng vượt mọi khó khăn, chấp nhận hy sinh để giữ vững chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.
Chính tinh thần đó của các anh, khiến chúng tôi, những người đồng bào nơi hậu phương đất Mẹ thực sự vững tin khi chia tay các anh để trở về đất liền.
Phút chia tay nghẹn ngào trong tiếng hát
Bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn, cuộc gặp gỡ nào rồi cũng có lúc phải chia tay. Trong chuyến hải trình 10 ngày tới Trường Sa và nhà giàn DK1, chúng tôi đã trải qua những phút giây chia tay xúc động, nghẹn ngào.
Tại đảo Trường Sa Lớn, ngay sau khi kết thúc chương trình đêm giao lưu văn nghệ, chúng tôi đã được lệnh rời đảo để tiếp tục hành trình tới các đảo khác. Do vậy, cuộc chia tay với quân, dân trên đảo diễn ra trong đêm tối. Nhưng không phải vì thế mà cuộc chia tay này diễn ra trong yên lặng mà ngược lại nó lại diễn ra trong lời ca, tiếng hát, tiếng nói cười và cả tiếng khóc.
Hình ảnh quân, dân Trường Sa Lớn xếp hàng chỉnh tế ra tận mép cầu tàu và cất vang ''Khúc quân ca Trường Sa,'' vẫy tay chào tạm biệt đoàn công tác, có lẽ là khoảnh khắc chia tay đáng nhớ nhất trong cuộc đời chúng tôi.
Trong thời khắc chia tay đó, chúng tôi đã được chứng kiến những hình ảnh cảm động về một người cha có con trai đang đi nghĩa vụ ở Trường Sa, dặn dò con ở lại chăm chỉ luyện tập, sẵn sàng chiến đấu hay hình ảnh những người cựu chiến binh già ôm chặt lớp hậu sinh như một sự “truyền lửa thế hệ,” rồi hình ảnh các bạn trẻ thanh niên trong sắc áo cờ đỏ sao vàng, áo xanh thanh niên tình nguyện tranh thủ ghi lại số điện thoại, chụp ảnh kỷ niệm với những người bạn chiến sỹ nơi đảo xa.
Và rồi, khi tiếng còi tàu cất lên, các thành viên trong đoàn công tác rút lên tàu và chỉ còn lại phía dưới cầu tàu là những chiến sỹ, cư dân của đảo, chúng tôi bỗng thấy hẫng hụt trong lòng.
Như để an ủi chúng tôi, các chiến sỹ đồng thanh hát to các ca khúc cách mạng, xen lẫn là những câu đùa vui tới các chị em văn công trong đoàn công tác. Đáp lại, cánh thanh niên trong đoàn công tác cũng đồng thanh hát to.
Cứ như vậy, màn đối đáp từ biệt bằng lời ca, tiếng hát diễn ra cho tới khi con tàu HQ 561 chuyển mình rời cầu tàu Trường Sa Lớn và hình ảnh hàng người trên đảo khuất xa vào màn đêm.
Chia tay quân, dân Trường Sa, mỗi người chúng tôi đều mong được một ngày trở lại đồng thời nguyện giữ vững tinh thần Trường Sa: “Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua.”./.