Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên, đặc biệt chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả, Việt Nam có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch.
Tăng tốc tìm kiếm nguồn cung vaccine
Với tình hình diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian dài qua, Việt Nam cũng xác định chiến lược vaccine là “chìa khoá” để kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine rộng rãi trên toàn quốc. Trong số đó, chiến lược vaccine được xem như là "mặt trận" quan trọng mang tính quyết định.
[TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Sóc Trăng phòng, chống dịch]
Trong công tác bao phủ vaccine, “ngoại giao vaccine” được xác định là một mũi nhọn, tranh thủ các mối quan hệ song phương, đa phương, thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vaccine cho người dân.
Một chiến dịch ngoại giao chưa từng có tiền lệ với những nỗ lực to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và hơn 90 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài đã liên tục được xúc tiến ở tất cả các cấp độ.
Một dấu mốc quan trọng trong công tác ngoại giao vaccine, đó là ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định về việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp trong các hoạt động từ ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và cả các hãng sản xuất vaccine… để có thể hỗ trợ cung cấp nhanh nhất vaccine cho Việt Nam. Mọi nỗ lực đều được tập trung mạnh mẽ với những bước đi được định hình quyết liệt ngay từ những ngày đầu bùng phát đại dịch, bởi ngoại giao vaccine trong giai đoạn hiện nay đang mở ra hướng hợp tác y tế quốc tế để chung sống lâu dài với đại dịch.
Cụ thể, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại châu Âu từ ngày 5 đến 11/9 để tham dự hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, kết hợp làm việc tại Bỉ, Liên minh châu Âu và thăm chính thức Phần Lan đã gặt hái được nhiều kết quả khích lệ trong chiến lược ngoại giao vaccine. Theo đó, Bỉ và Slovakia đã hỗ trợ 200.000 liều vaccine và cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vaccine cho Việt Nam để kịp thời phòng chống dịch.
Ngay sau đó, trong khuôn khổ chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cuba, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thực hiện các hoạt động song phương tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 18/9 đến 24/9/2021, Việt Nam đã nhận được những cam kết và sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước, các đối tác quốc tế, các công ty nước ngoài về vấn đề vaccine. Bên cạnh 1,05 triệu liều vaccine Abdala của Cuba chuyển về nước theo chuyên cơ của Chủ tịch nước, các nước và các đối tác đã cam kết viện trợ cũng như cung cấp 1,5 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Hoa Kỳ cam kết viện trợ một số lượng lớn vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX trong kỳ phân bổ sắp tới...
Trong thời gian ngắn, ngoại giao vaccine đã mang về cho đất nước khoảng 60 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào ta ở nước ngoài...
Tính đến ngày 18/10, Việt Nam đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và tiêm được hơn 64 triệu liều. Đã có hơn 62% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 25% đã tiêm đủ liều vaccine.
Tốc độ tiêm vaccine quyết định "trở lại bình thường"
Dịch bệnh lần thứ 4 này đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, dịch bệnh đã làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp.
Đối phó với đợt dịch lần này, cùng với sự chỉ đạo kịp thời và hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên dịch bệnh ở "tâm dịch" là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã từng bước được khống chế, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc.
"Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vaccine, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực," Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích mặc dù Việt Nam xuất phát điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vaccine của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.
“Tốc độ tiêm vaccine của nước ta hiện nay ở mức độ cao so với nhiều nước trên thế giới, có nhiều ngày vượt trên 1 triệu liều/ngày. Chúng tôi hy vọng có thể đạt mức cao hơn về số lượng mũi tiêm trong ngày," Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Riêng trong ngày 17/10, tại các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện hơn 1,5 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Vaccine đã được phân bổ theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp, giao thông huyết mạch… Các địa phương thực hiện tiêm cho những đối tượng nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định tốc độ tiêm vaccine quyết định cho việc mở cửa nền kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường, do đó Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo các địa phương cần tăng tốc tiêm chủng theo nguyên tắc đẩy nhanh bao phủ mũi 1, vaccine nào về thì tổ chức triển khai tiêm ngay, sau đó trả bù mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đến thời hạn.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng có nhiều văn bản quán triệt về công tác tiêm chủng, đề nghị các tỉnh đẩy mạnh, tăng tốc độ tiêm chủng để đạt được kế hoạch đề ra và thực hiện triệt để những vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa các bộ, ngành về nhập liệu, xác thực thông tin tiêm chủng của người dân./.