Chiến lược ứng phó lâu dài của Liên bang Nga với phương Tây

Tình trạng căng thẳng và đối đầu gay gắt trong mối quan hệ giữa một nước Nga đang muốn trỗi dậy mạnh mẽ với phương Tây đã được thể hiện trong Chiến lược an ninh quốc gia mới cập nhật của Nga.
Chiến lược ứng phó lâu dài của Liên bang Nga với phương Tây ảnh 1Tổng thống Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phản ứng cứng rắn của Nga sau các vụ tàu chiến của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia tăng hoạt động tại Biển Đen gần đây, nhất là vụ biên phòng Nga nổ súng bắn cảnh cáo tàu khu trục HMS Defender của Anh tiến sâu vào khu vực mũi Fiolent thuộc bán đảo Crimea, hay đặt toàn bộ Hạm đội Biển Đen trong trạng thái báo động trước cuộc tập trận “Sea Breeze 2021” do Mỹ và Ukraine tổ chức mà Nga coi là “hành động khiêu khích," cho thấy căng thẳng giữa Moskva và phương Tây khó có khả năng hạ nhiệt trong ngắn hạn.

Tình trạng căng thẳng và đối đầu gay gắt trong mối quan hệ giữa một nước Nga đang muốn trỗi dậy mạnh mẽ với phương Tây cũng được thể hiện trong Chiến lược an ninh quốc gia mới cập nhật của Nga vừa được Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn.

Có thể thấy Chiến lược an ninh quốc gia mới dày 44 trang - văn kiện quan trọng định hướng các mục tiêu chung và nhiệm vụ liên quan đến sự phát triển chiến lược của nước Nga trong điều kiện quốc tế hiện đại, không chỉ là bản cập nhật của Chiến lược an ninh quốc gia ra đời năm 2015, khi nó bao hàm rất nhiều vấn đề, từ an ninh quốc gia cho tới kinh tế, môi trường, các giá trị, quốc phòng, các vấn đề nảy sinh trong môi trường thông tin và truyền thông hay lĩnh vực tư tưởng.

Văn bản năm nay được xem là tuyên ngôn cho một thời đại mới, đặc biệt trong bối cảnh Nga đối đầu ngày càng gay gắt với phương Tây và Mỹ.

Trong mục “Nước Nga trong thế giới đương đại," Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga xác định rõ những nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Đó là “mong muốn của các nước phương Tây nhằm bảo vệ vị trí bá chủ;" “mong muốn cô lập Nga và việc sử dụng các tiêu chuẩn chính trị quốc tế kép;" hay “trong bối cảnh mô hình tự do phương Tây khủng hoảng, một số nước đang tìm cách làm xói mòn các giá trị truyền thống có chủ đích, bóp méo lịch sử thế giới, sửa đổi quan điểm về vai trò và vị trí của Liên bang Nga;" và “các quốc gia không thân thiện đang tìm cách lợi dụng các vấn đề kinh tế-xã hội hiện có ở Liên bang Nga để hủy hoại đoàn kết nội bộ, truyền cảm hứng và cực đoan hóa phong trào biểu tình, ủng hộ các nhóm bên lề và gây chia rẽ xã hội Nga."

Có thể thấy việc xác định rõ các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia phản ánh mối quan ngại của Nga một thế giới đang trải qua sự biến đổi và hỗn loạn, trong đó Moskva cho rằng “vị trí bá chủ của phương Tây” đang trên đà giảm sút, song điều đó dẫn đến nhiều xung đột hơn và nghiêm trọng hơn.

[Nga đánh giá thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây]

Theo Chiến lược an ninh quốc gia mới, về mặt kinh tế, Nga phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh dưới các hình thức trừng phạt nhằm gây thiệt hại và kìm hãm; về mặt an ninh, nguy cơ sử dụng vũ lực ngày càng tăng; trong lĩnh vực đạo đức, các giá trị truyền thống và di sản lịch sử của Nga đang bị tấn công; về chính trị trong nước, Nga phải đối phó với những âm mưu của bên ngoài hòng gây bất ổn lâu dài. Môi trường bên ngoài đầy rẫy những mối đe dọa và sự bất an ngày càng gia tăng này được coi là một kỷ nguyên, chứ không đơn thuần chỉ là một giai đoạn. Như vậy, có thể kết luận Nga đang hoạch định một chiến lược để đối phó lâu dài với chính sách đối đầu cùng các biện pháp bao vây, cấm vận và kìm hãm của phương Tây đối với Moskva.

Một điểm đáng chú ý khác, đó là chiến lược mới đề cập đến các khía cạnh đạo đức trong an ninh quốc gia. Chiến lược an ninh mới đưa ra một danh sách các giá trị truyền thống của Nga, đồng thời cho rằng những giá trị này “đang bị tấn công thông qua quá trình phương Tây hóa," khiến cho người Nga có nguy cơ bị tước đoạt chủ quyền về văn hóa, cũng như thông qua những mưu toan viết lại lịch sử nhằm hạ uy tín của nước Nga. Chính vì thế, chiến lược đánh giá về mặt tư tưởng, Nga đang phải đối mặt với một “cuộc chiến tranh tinh thần” với phương Tây.

Trên cơ sở đó, có thể nói Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga đã phác thảo đường hướng để xa rời chủ nghĩa tự do theo kiểu phương Tây, để đi theo những quy tắc, chuẩn mực đạo đức bắt nguồn từ truyền thống của đất nước.

Theo đánh giá của Moskva, ngoài việc Mỹ và NATO tích cực triển khai quân cùng các hệ thống vũ khí, hay có những hành động phô trương sức mạnh, kích động sát biên giới Nga, tương tự cuộc tập trận chung Sea Breeze 2021 của NATO tại Biển Đen, mà Moskva cho rằng “đang biến khu vực Biển Đen từ một không gian hợp tác thành khu vực đối đầu," thì các tập đoàn công nghệ thông tin khổng lồ có trụ sở ở Mỹ, với vai trò độc quyền ảo của họ trong lĩnh vực thông tin và vai trò chi phối tài chính toàn cầu của đồng USD, cũng được coi là công cụ nhằm kiềm chế nước Nga.

Chiến lược ứng phó lâu dài của Liên bang Nga với phương Tây ảnh 2Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lần đầu tiên trong lịch sử, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga không đề cập đến vai trò tương tác với Mỹ và các đối tác ở châu Âu. Chiến lược năm 2015 trước đó có một phần riêng bàn về chủ đề xây dựng quan hệ đối tác với Washington khi lợi ích của các bên trùng khớp với nhau, đồng thời cũng nhắc tới châu Âu là một trong những đối tác quan trọng nhất. Giờ đây, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga không nhắc tới “các đối tác châu Âu” và Mỹ.

Thay vào đó, văn kiện trên chỉ ra rằng phương Tây là nơi khởi nguồn của các vấn đề bởi “phương Tây cố gắng duy trì vị trí độc quyền của mình và do đó phá bỏ tất cả các thể chế và thực tế bất lợi cho việc này, bao gồm cả hệ thống Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế."

Trong bối cảnh Mỹ và một số thành viên NATO hiện nay đã chính thức trở thành những quốc gia không thân thiện đối với Moskva, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga đã phác thảo những đường hướng chính sách đối ngoại sắp tới. Đó là tăng cường quan hệ với các nước Liên Xô cũ; các đối tác chiến lược Trung Quốc và Ấn Độ; các tổ chức phi phương Tây như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi); cũng như các nước châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi khác…. Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga khẳng định sự tuân thủ và tôn trọng hệ thống Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Nhìn chung, giới phân tích đánh giá rằng về mặt nội dung, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga là một học thuyết phòng thủ lâu dài trước những thách thức và mối đe dọa quan trọng nhất từ bên ngoài. Nga không đặt ra cho mình nhiệm vụ cạnh tranh với các cường quốc hàng đầu thế giới hoặc loại bỏ họ khỏi vị trí của mình, mà Moskva đánh giá tình hình các hồ sơ phức tạp của thế giới và chỉ ra cách ngăn chặn các mối đe dọa đang nổi lên.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga chuyển đi thông điệp rằng Liên bang Nga sẽ ngày càng độc lập, tự chủ, tự cường hơn trong một không gian bị bao vây, phong tỏa.

Chiến lược cũng cho rằng việc phân chia lại sự phát triển của thế giới đương đại là điều đương nhiên xảy ra, do đó Nga cần có các bước đi riêng để ổn định không gian của mình cũng như tình hình quốc tế nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục