Trong khuôn khổ kỳ họp Lưỡng hội mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 6% trong năm nay, cùng một số động thái chính sách mới nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Nhân dịp này, nhóm phóng viên TTXVN thường trú tại Trung Quốc đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Lưu Anh - chuyên gia kinh tế thương mại thuộc Viện nghiên cứu Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc - về một số vấn đề liên quan mục tiêu tăng trưởng GDP, cũng như các chính sách mới của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế.
Trả lời câu hỏi cơ sở nào để Trung Quốc đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng là hơn 6% trong năm 2021 và mục tiêu này có ý nghĩa như thế nào, Giáo sư Lưu Anh cho rằng mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trên 6% trong năm 2021 thực sự là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với việc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Giáo sư Lưu Anh, tăng trưởng GDP trên 6% chính là tăng trưởng trên 600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 92 tỷ USD), cũng có nghĩa là năm nay GDP có thể thực hiện vượt 107.000 tỷ nhân dân tệ. Quy mô này trên thực tế chính là dành cho sự phát triển chất lượng cao và sự chuyển đổi xanh của nền kinh tế Trung Quốc. Có nhiều dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ vượt xa mức 6%, sẽ đạt khoảng 8%.
Vậy lý do tại sao tốc độ tăng trưởng GDP lại được đặt mục tiêu ở mức trên 6%? Đó là vì Trung Quốc đang theo đuổi tăng trưởng kinh tế nhiều hơn về mặt chất lượng, chứ không chỉ là về mặt số lượng. Vì vậy, dù GDP chỉ tăng trưởng trên 6%, đối với Trung Quốc mục tiêu đó vẫn đủ để biến nền kinh tế nước này thành một thị trường lớn nhất toàn cầu. Đối với các quốc gia xung quanh, điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc khôi phục kinh tế.
Năm ngoái Trung Quốc công bố kế hoạch "tự lực cánh sinh," trong đó nhấn mạnh vào thị trường trong nước, hay còn gọi là tuần hoàn nội địa. Tại kỳ họp lần thứ tư Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại-tức Quốc hội Trung Quốc) khóa 13 vừa qua, Trung Quốc nhấn mạnh tới tuần hoàn kép, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và khuyến khích tự lực cánh sinh trong lĩnh vực công nghệ cao.
[Trung Quốc: Đặt lại mục tiêu tăng trưởng và lộ trình hậu dịch COVID-19]
Về vấn đề này, Giáo sư Lưu Anh đánh giá rằng Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một mô hình phát triển mới, trong đó vòng tuần hoàn lớn trong nước là chủ thể, còn tuần hoàn kép trong nước và quốc tế hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau. Đó không phải là tự lực cánh sinh, cũng không phải là phải đóng cửa đất nước, cũng không phải là không mở cửa với thế giới bên ngoài mà đúng là tuần hoàn kép.
Điều quan trọng là cục diện mới mà trong đó Trung Quốc đang triển khai ý tưởng thúc đẩy tăng trưởng phối hợp với phát triển xanh, dựa vào đó để xây dựng một mô hình phát triển mới. Cục diện phát triển mới này có tầm quan trọng ở cả trong và ngoài nước. Trung Quốc muốn xây dựng một thị trường nội địa rộng lớn và phát triển tăng trưởng chất lượng cao.
Phát triển chất lượng cao là tiêu chí rất quan trọng. Điều này chính là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không vội vàng. Trung Quốc không chỉ là công xưởng của thế giới mà còn là thị trường của thế giới. Trung Quốc không chỉ là một quốc gia sản xuất lớn mà còn là một cường quốc về sản xuất.
Giáo sư Lưu Anh nhấn mạnh, từ góc độ này mà nói, đặc biệt là sau đại dịch, chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại. Vì vậy, Trung Quốc cần xây dựng thị trường nội địa để vượt qua tình huống này, Trung Quốc cần phải hình thành một vòng tuần hoàn lành mạnh. Điều này đòi hỏi Trung Quốc mở cửa tốt hơn cả với trong nước và đối với bên ngoài.
Đối với trong nước phải thực hiện phát triển kinh tế chất lượng cao, đối với bên ngoài phải thực hiện mở cửa cấp độ cao. Vì vậy, Trung Quốc đã đề ra phương hướng phát triển, đó là xây dựng mô hình phát triển mới tuần hoàn kép trong nước và quốc tế hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau.
Giáo sư Lưu Anh cho rằng cục diện phát triển mới của tuần hoàn kép không phải là tự lực cánh sinh, mà phải tính đến sự phát triển đồng đều của cả hai thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Tất nhiên, thị trường trong nước rộng lớn cũng cần một số sân chơi, nên cũng cần mở cửa cấp độ cao để phát triển thị trường trong nước. Vì vậy, những gì cần phải xây dựng là một mô hình phát triển mới.
Giáo sư Lưu Anh cho biết với chiến lược tuần hoàn kép, Trung Quốc cần xây dựng một mạng lưới khu vực thương mại tự do tiêu chuẩn cao có ảnh hưởng xung quanh ví dụ như sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) hướng ra thế giới.
Trong khi đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 15 quốc gia, với 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với 5 quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Khu vực thương mại tự do lớn nhất này thể hiện một đặc điểm mới là tính bao trùm, cởi mở và chia sẻ hiện đại. Đây cũng là một khu thương mại có mức độ tự do tương đối cao hiện nay. Trung Quốc cam kết mở cửa với bên ngoài ở mức độ cao nên Trung Quốc muốn xây dựng khu thương mại bao gồm cả một số nước thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đàm phán đạt được thỏa thuận thương mại tự do Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-Liên minh châu Âu (CAI), thậm chí Trung Quốc cũng thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo Giáo sư Lưu Anh, Trung Quốc hy vọng mở rộng khả năng tiếp cận tốt hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, để tạo ra môi trường kinh doanh chất lượng cao và thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế tham gia.
Trung Quốc cũng hy vọng rằng các doanh nghiệp trong nước sẽ có thể tiến ra thị trường toàn cầu tốt hơn. Vì vậy, việc thực hiện một mô hình phát triển tuần hoàn sẽ giúp nước này phục hồi kinh tế lành mạnh bên cạnh việc chuyển đổi xanh và chuyển đổi kỹ thuật số./.