Chiến lược tuần hoàn kép của Trung Quốc không chỉ là 'lý thuyết suông'

Trong khi Phương Tây nghĩ về lý tưởng, ưu tiên quyền cá nhân thì Trung Quốc nhận ra rằng trong một hệ thống nói chung, sự đánh đổi giữa quyền cá nhân và nghĩa vụ xã hội là không điều thể tránh khỏi.

Theo trang mạng eastasiaforum.com, các nhà quan sát Trung Quốc đã có rất nhiều tranh cãi vào thời điểm Trung Quốc lần đầu tiên đề cập tới “chiến lược vòng tuần hoàn kép” trong năm 2020.

Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi “xây dựng một mô hình phát triển kinh tế mới” trong bối cảnh thế giới trải qua những biến động nhanh chóng.

Đáng chú ý, chiến lược này đã được đưa vào trong nội dung Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021–2025).

Alicia García Herrero, trưởng nhóm kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Natixis, cho rằng việc Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh vòng tuần hoàn nội địa và quốc tế sẽ củng cố lẫn nhau, nhưng tập trung hơn vào các vấn đề đối nội, là “tin xấu đối với ‘hàng hóa xuất khẩu’ của các quốc gia khác, bởi Trung Quốc đang hướng đến việc ‘giảm lệ thuộc vào nhập khẩu’… để đáp trả chiến lược chia tách chuỗi cung ứng toàn cầu mà Mỹ thúc đẩy.”

Nhà kinh tế Hong Kong Lawrence Lau cho rằng tuần hoàn kép là một sự thay đổi theo chu kỳ trong dài hạn.

Trước năm 1980, vòng tuần hoàn quốc tế (tổng giá trị xuất khẩu cộng với nhập khẩu) chưa bằng 10% vòng tuần hoàn nội địa (tính theo các chỉ số tiêu dùng nội địa, đầu tư và chi tiêu chính phủ), song đã tăng lên 68% vào năm 2006 trước khi giảm xuống mức 37% hiện nay.

Ông Lau cảnh báo rằng việc chia tách chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ gây thiệt hại cho tất cả các bên.

Nhà nghiên cứu Yukon Huang, làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định người ta thường nhìn Trung Quốc qua nhiều lăng kính, song lại quên đi quy mô và sự phức tạp của xã hội cũng nền kinh tế Trung Quốc. Kết quả là “những nỗ lực đánh giá Trung Quốc thường thất bại."

Những nỗ lực không ngừng nhằm miêu tả Trung Quốc như một hệ thống lỗi thời, tham nhũng, với gánh nặng nợ công cùng hàng loạt bất công – một hệ thống chắc chắn sẽ sụp đổ do quản trị yếu kém và thiếu minh bạch – không thể đem lại một bức tranh hoàn chỉnh.

[Triển vọng 10 xu thế lớn của kinh tế Trung Quốc năm 2021]

Quốc gia này vẫn đứng vững sau 2 thiên niên kỷ biến động, với bộ máy hành chính lâu đời nhất thế giới vẫn còn nguyên vẹn về thiết kế nhưng có sự phát triển theo thời gian để thích ứng với những thực tế mới.

Bộ máy quan liêu này tồn tại bởi những người vận hành hiểu rằng không có lý thuyết, quy tắc, luật lệ hay trật tự nào tồn tại mãi mãi.

Thay đổi là một quá trình, nhưng để thành công cần phải có một quy trình quản lý những thay đổi này.

Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ và là chuyên gia về chính sách đối ngoại, từng lý giải: ‘Người Mỹ suy nghĩ về giải pháp cụ thể cho các vấn đề cụ thể. Người Trung Quốc nghĩ về các giai đoạn trong một quá trình mà không có cao trào cụ thể.”

Người Mỹ định hình khung chính sách để giải quyết mọi vấn đề với mục tiêu hàng đầu là đạt được kết quả tốt nhất có thể.

Người Trung Quốc hiểu rằng không có điều gì là “tốt nhất có thể” trong một bối cảnh đầy mơ hồ, bởi lịch sử dạy rằng chiến lược khả thi duy nhất trong “màn sương” này là tìm kiếm, thử nghiệm, thử nghiệm, tiến lên hoặc rút lui và xem xét lại.

Tuần hoàn kép là chiến lược duy trì tính linh hoạt trong hoạt động để thích ứng với các biến động khi điều kiện thay đổi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 3, trái) thăm trang trại trồng chè tại thị trấn Laoxian, thành phố An Khang, tỉnh Thiểm Tây, ngày 22/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi phương Tây suy nghĩ với các thuật ngữ, suy luận, chú trọng tính logic và tuyến tính, thì người Trung Quốc lại suy nghĩ theo các thuật ngữ mang tính hệ thống, linh hoạt và biện chứng, tin tưởng vào thử nghiệm và kết quả - dù có không hoàn hảo - hơn là những lý thuyết đẹp đẽ.

Phương Tây nghĩ về lý tưởng, ưu tiên quyền cá nhân, trong khi Trung Quốc nhận ra rằng trong một hệ thống nói chung, sự đánh đổi giữa quyền cá nhân và nghĩa vụ xã hội là không điều thể tránh khỏi.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thường nghĩ về sự phát triển của một hệ thống phức hợp khổng lồ và có thể thích nghi.

Khuôn khổ tuần hoàn kép có tính biện chứng, là sự cân bằng giữa vòng lặp bên trong và bên ngoài, tùy thuộc vào các mối đe dọa và cơ hội nói chung.

Xét ở góc độ biện chứng, nếu thế giới bên ngoài không muốn liên quan tới Trung Quốc, thì họ sẽ tập trung vào sức mạnh nội lực và các vấn đề nội bộ.

Trung Quốc có những mối quan hệ đối tác thương mại quy mô, việc tiêu dùng nội địa chắc chắn sẽ đi kèm với những đòi hỏi lớn hơn về nhập khẩu và thương mại toàn cầu.

Nếu các đối tác thương mại từ chối hợp tác đôi bên cùng có lợi, thì việc Trung Quốc chuyển hướng nguồn tiền để đầu tư trong nước chắc chắn cũng sẽ ít gây tổn thương cho đôi bên hơn là những mâu thuẫn thương mại hiện nay.

Và tất nhiên, trong mối quan hệ này, “ly thân” tạm thời dù sao cũng sẽ tốt hơn “ly hôn.”

Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc với những mâu thuẫn cả trong lĩnh vực khái niệm và tư tưởng. Chính sách vòng tuần hoàn kép áp dụng cho các mối quan hệ song phương vốn đòi hỏi sự hợp tác từ cả hai phía.

Chỉ có thời gian mới chứng minh được ai mới là người biết thích nghi và điều chỉnh một cách thức thời hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục