Chiến lược tổng thể ngăn chặn dịch COVID-19 trong giai đoạn mới

Việt Nam bước vào giai đoạn thứ ba của công cuộc phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 24/4 khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh số 269 đến nay-toàn bộ số ca mắc đều là các trường hợp ở nước ngoài về nước.
Chiến lược tổng thể ngăn chặn dịch COVID-19 trong giai đoạn mới ảnh 1Các công dân hoàn thành thời gian cách ly với gia đình. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đến nay, trên toàn thế giới đã có gần 11 triệu người mắc bệnh COVID-19, trong đó đã có 524.036 trường hợp đã tử vong.

Tại Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới. Liên tiếp 77 ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng. Toàn quốc đã ghi nhận tổng số 355 trường hợp mắc bệnh COVID-19; trong đó 340 trường hợp đã được điều trị khỏi, hiện còn 15 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Hơn 113.000 lượt xuất nhập cảnh

Việt Nam bước vào giai đoạn thứ ba của công cuộc phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 24/4 khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh số 269 đến nay-toàn bộ số ca mắc đều là các trường hợp ở nước ngoài trở về nước, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ đầu tháng 6/2020 đến nay đã ghi nhận trên 23.000 lượt xuất nhập cảnh qua đường hàng không và gần 90.000 lượt xuất nhập cảnh qua đường biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Camphuchia.

[Không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới bệnh COVID-19]

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới không ghi nhận tử vong do COVID-19 (một trong 30 quốc gia, vùng lãnh thổ); kể từ ngày 16/4/2020 không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Tính đến ngày 23/6, ngành y tế đã thực hiện 372.523 xét nghiệm (bằng phương pháp RT-PCR).

Việt Nam cũng thực hiện điều trị có hiệu quả cao đối với các trường hợp mắc, không để tử vong. Toàn bộ các bệnh nhân trong giai đoạn 1, 2 của dịch đã được điều trị khỏi và xuất viện, hiện chỉ còn 15 trường hợp đang tiếp tục được điều trị tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, các bác sĩ điều trị thành công 2 ca bệnh được tiên lượng rất nặng, nguy kịch (bệnh nhân số 19 và 91).

Có được những kết quả đó là do Việt Nam đang tổ chức tốt và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Chiến lược tổng thể ngăn chặn dịch COVID-19 trong giai đoạn mới ảnh 2Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh sáng 2/7/2020. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã đồng ý ưu tiên đưa khoảng 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là các trường hợp đặc biệt về nước như đề xuất của Bộ Ngoại giao, bao gồm các trường hợp là lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa... Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép và tạo điều kiện các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao... nhập cảnh Việt Nam, kể cả nhập cảnh trong thời gian ngắn (dưới 14 ngày) và có biện pháp cách ly phù hợp, linh hoạt.

Theo đó, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cùng các địa phương liên quan rà soát, xây dựng các hướng dẫn, quy định phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài vào làm việc, thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực riêng biệt, đảm bảo công tác phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn cụ thể các hình thức cách ly phù hợp, linh hoạt đối với từng loại đối tượng công dân Việt Nam về nước và các trường hợp khác nhập cảnh Việt Nam.

Bộ Y tế nhận định Việt Nam cũng đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai nếu trong trường hợp xảy ra các ca lây nhiễm tại cộng đồng do bỏ sót các trường hợp nhập cảnh mắc bệnh hoặc các bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng trong cộng đồng.

Siết chặt các “vòng vây”

Trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác không thể đóng cửa, vì phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn.

Do vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất tinh thần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn thông qua triển khai các biện pháp cách ly, phòng bệnh hiệu quả.

Việt Nam tiếp tục triển khai chiến lược tổng thể ngăn chặn dịch xâm nhập thông qua kiểm soát nhập cảnh đường hàng không và kiểm soát đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở.

Đối với hoạt động kiểm soát dịch xâm nhập qua đường hàng không, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an, Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để tổ chức hiệu quả các chuyến bay đón công dân (kể cả doanh nhân người Việt Nam) đang mắc kẹt tại nước ngoài đồng thời phối hợp với bộ, ngành liên quan về lộ trình nối lại đường bay với một số nước và quy trình cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh ngắn hạn.

Đối với hoạt động kiểm soát dịch xâm nhập qua đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát đường biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở chặt chẽ; phân công, bố trí các tổ, chốt cố định, lưu động phù hợp với đường biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia, đảm bảo kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện sớm và xử lý các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép.

Chiến lược tổng thể ngăn chặn dịch COVID-19 trong giai đoạn mới ảnh 3Các công dân vận chuyển hành lý ra xe về với gia đình. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích: Về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình trạng “bình thường mới,” Bộ Y tế đã xây dựng phương án xét nghiệm cho giai đoạn có ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài về, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú và chuẩn bị phương án xét nghiệm cho trường hợp bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Bộ Y tế thực hiện chiến lược xét nghiệm ưu tiên cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao theo từng phương án phù hợp với tình hình dịch bệnh...

Để đảm bảo công tác phòng bệnh chủ động tại cộng đồng, đảm bảo sản xuất song song cùng với an toàn phòng, chống dịch, Bộ Y tế chủ trì xây dựng các hướng dẫn chi tiết về giám sát dịch, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi làm việc, trường học, nhà máy, khu dân cư, các khu tập trung đông người.

Bộ Y tế cũng xây dựng các tiêu chí đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ kiểm soát tốt dịch bệnh; xây dựng các hướng dẫn về điều kiện đảm bảo cho mở cửa hàng không, du lịch quốc tế.

Về việc tổ chức cách ly tại các cơ sở, Bộ Y tế xây dựng phương án cách ly đối với các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian ngắn để thực hiện các hoạt động như xúc tiến đầu tư, ký kết các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế; xem xét có quy định về thu phí đối với cách ly, phí điều trị trên cơ sở vận dụng Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010…

Để giữ vững thành quả quan trọng về phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục đề cao cảnh giác, không để phạm sai lầm, khuyết điểm, không thể vì nôn nóng phát triển kinh tế xã hội mà mở cửa ào ạt, lơ là công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh tại Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục