Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đưa Việt Nam từng bước trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và hành khách của khu vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa; tăng cường an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải, phấn đấu giảm 5-10% bình quân hàng năm về số người chết do tai nạn giao thông có nguyên nhân từ kinh doanh vận tải.
Chiến lược cũng nhấn mạnh việc tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước và kinh doanh thương mại, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.
Phấn đấu đến năm 2030, tổng sản lượng vận tải khoảng 2.500 tỷ tấn.km (tương đương 4,3 tỷ tấn hàng hóa), 667 tỷ hành khách.km (tương đương 14 tỷ lượt khách), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về sản lượng vận tải hàng hóa giai đoạn 2021-2030 là 6,7%, hành khách là 8,2%. Năng suất, chất lượng và hiệu quả dịch vụ vận tải hành khách đạt mức tiên tiến trong khu vực. An toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải được bảo đảm ngày càng cao, phấn đấu giảm tỷ lệ số người tử vong do tai nạn giao thông trên 10.000 phương tiện kinh doanh vận tải về mức bằng hoặc thấp hơn so với tỷ lệ chung của phương tiện vận tải trên cả nước; hạn chế tối đa sự cố an toàn hàng không.
Về định hướng phát triển thị trường vận tải, đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải thu gom hàng từ các trung tâm phân phối theo khu vực đến các điểm bán lẻ, vận tải cự ly ngắn, khối lượng vận tải nhỏ đến trung bình; tăng cường phát triển vận tải hành khách liên tỉnh có cự ly ngắn và trung bình (dưới 500km); tăng cường phát triển vận tải đường bộ kết nối các vùng nông thôn và đô thị; ưu tiên đặc biệt đối với dịch vụ vận tải đường bộ đến các cụm dân cư biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Chiến lược đặt ra ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải đường sắt và vận tải đường thủy nội địa; đẩy mạnh phát triển chuỗi sản phẩm vận tải và du lịch đường biển, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu chở khách du lịch đồng thời tăng cường khả năng kết nối thuận tiện đến các điểm du lịch trên đất liền. Cùng với đó, khẩn trương mở đường bay và tăng cường năng lực vận tải hành khách và hàng hóa trên các đường bay tầm xa đến châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và châu Phi; có chính sách thu hút các hãng hàng không mở đường bay tầm xa đến các cảng trung chuyển. Phát triển hợp lý vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn, nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và xe buýt nhanh tại các đô thi từ loại II trở lên.
Về định hướng chiến lược phát triển phương tiện vận tải, sẽ phát triển phương tiện vận tải có quy mô đáp ứng nhu cầu vận tải, có cơ cấu, chủng loại phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông, loại hàng hóa và đối tượng hành khách, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Quyết định cũng nêu rõ hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp vận tải Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm thiểu số lượng và tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong doanh nghiệp vận tải, trừ trường hợp tại các đơn vị kinh doanh vận tải đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; tách biệt kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt với kinh doanh vận tải thành các doanh nghiệp độc lập, khẩn trương cổ phần hoá các doanh nghiệp vận tải và cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt…/.