Theo trang mạng asiatimes.com, sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh đang theo đuổi một tương lai mang tính chiến lược ở châu Á. Các nền kinh tế năng động của khu vực sẽ là trọng tâm của chiến lược “Nước Anh Toàn cầu” hậu Brexit trong một môi trường quốc tế ngày càng bất định.
Năm nay đánh dấu sự đảm nhận các vai trò quan trọng của Anh trên toàn cầu, bao gồm chức vụ chủ tịch luân phiên của các nước G7 cũng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2021 cũng đánh dấu việc Anh chính thức đăng ký tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một hiệp định thương mại bao gồm 11 quốc gia từ châu Mỹ đến châu Á, chiếm 13,4% GDP toàn cầu (13,5 nghìn tỷ USD) và gần 500 triệu người tiêu dùng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoan nghênh việc chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập khối các quốc gia lớn thứ 3 thế giới trong tuần này như một bước quan trọng đối với việc “mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ cho người dân Anh."
Ông chia sẻ: “Việc đăng ký trở thành quốc gia mới đầu tiên tham gia CPTPP thể hiện khát vọng của chúng tôi trong việc tiến hành giao thương với các nước bạn bè và đối tác trên thế giới với những điều khoản tốt nhất và với tư cách là một nhà ủng hộ nhiệt tình cho thương mại tự do toàn cầu."
Điều quan trọng là việc Anh xoay trục sang châu Á cũng là một phần trong các nỗ lực lớn hơn của Mỹ và các nước đồng minh phương Tây nhằm chống lại các hoạt động thương mại và đầu tư mang tính trấn lột của Trung Quốc bằng cách đưa ra các sáng kiến thay thế.
CPTPP, phiên bản mới của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền cựu Tổng thống Trump rút khỏi, không bao gồm Trung Quốc. Chính quyền mới của Tổng thống Biden đã bày tỏ cam kết tái gia nhập hiệp định thương mại này hoặc thúc đẩy một phiên bản mở rộng bao gồm các quốc gia và nền dân chủ cùng chí hướng.
Quyết định của Anh về việc tham gia cơ chế thương mại này không phải là một điều bất ngờ. Anh đã trở thành quốc gia tiên phong trong chiến lược châu Á, với việc là quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Bắc Kinh lãnh đạo vào năm 2015. Trong suốt quá trình đàm phán Brexit, London cũng chủ động theo đuổi các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia châu Á khác nhau, đặc biệt là Trung Quốc, để bù đắp cho việc mất đi quyền tiếp cận trực tiếp với thị trường EU.
Quan hệ căng thẳng với Trung Quốc
Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Johnson, quan hệ với Bắc Kinh đã xấu đi đáng kể, với việc Anh có lập trường cứng rắn hơn đối với các khoản đầu tư vào công nghệ cao của Trung Quốc cũng như hành vi gây hấn tại các vùng biển quốc tế.
Anh cũng chuẩn bị triển khai các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth mới của mình đến Biển Đông trong năm tới, khẳng định sự hiện diện quân sự vốn rất mạnh mẽ của nước này trong khu vực.
Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và vụ “ly hôn” với EU gây thiệt hại, Anh đang muốn tìm các đối tác thương mại và đầu tư mới ở châu Á.
Tháng 12/2020, Anh đã hoàn tất hiệp định thương mại tự do Anh-Singapore (FTA), có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 và cho phép các công ty Anh, bên cạnh các thực thể khác, đóng vai trò tích cực trong các dự án cộng đồng hiện đại tại đảo quốc Đông Nam Á này.
[Vương quốc Anh gia nhập CPTPP: Tương lai có là "lợi bất cập hại"?]
London cũng đang tìm kiếm các thỏa thuận tương tự với các nền kinh tế lớn khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam - quốc gia cũng vừa ký kết hiệp định thương mại tự do với EU, giống như Singapore. Trong tương lai, các nền kinh tế lớn khác của châu Á như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines cũng có thể tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương với Anh. Dường như những quốc gia này quyết tâm giảm bớt sự phụ thuộc vào cả EU và Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liz Truss, người sẽ phụ trách các cuộc đàm phán quan trọng để gia nhập hiệp định CPTPP, nói rằng hiệp định CPTPP sẽ mang lại “cơ hội khổng lồ," đặc biệt vì các quốc gia CPTPP, bao gồm các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, chiếm khoảng 8% lượng xuất khẩu của Anh trong năm 2019.
Nhật Bản chào đón Anh
Động thái của Chính phủ Anh đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp nước này. Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), nhóm vận động vì doanh nghiệp lớn nhất của Anh, đã hoan nghênh việc nộp đơn gia nhập CPTPP như một “chương mới cho chính sách thương mại độc lập của họ."
Liên đoàn cho biết: “Tư cách thành viên CPTPP có tiềm năng mang đến những cơ hội mới cho hoạt động kinh doanh của Anh trên các lĩnh vực khác nhau." Tuy nhiên, việc Anh nhiệt tình tham gia hiệp định thương mại ở châu Á đã khiến phe đối lập hoài nghi, trong đó Bộ trưởng Thương mại quốc tế Emily Thornberry của Công đảng chỉ trích sự thiếu minh bạch và “vội vàng tham gia một thỏa thuận thương mại nữa ở nửa kia của địa cầu mà không có bất kỳ tham vấn cộng đồng nào."
Nhật Bản, thành viên lớn nhất và là nhà lãnh đạo trên thực tế của CPTPP, nhiệt liệt hoan nghênh quyết định của Anh. Nhà đàm phán thương mại Nhật Bản Yasutoshi Nishimura viết trên Twitter rằng Anh sẽ “thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của mình trong việc tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tiêu chuẩn cao” của hiệp định thương mại tự do này.
Ông nêu rõ: “Tôi tin rằng yêu cầu gia nhập của Anh sẽ có tiềm năng lớn để mở rộng các quy tắc tiêu chuẩn cao ra ngoài châu Á-Thái Bình Dương."
Năm 2018, Nhật Bản cũng hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với EU trong một nỗ lực rõ ràng nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ dưới thời chính quyền ông Donald Trump cũng như ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc./.