Chiến lược năng lượng của các nước châu Âu khi mùa Đông sắp tới

Phần lớn các nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga và người dân các quốc gia này hiện đang rất quan ngại cho vấn đề năng lượng vào mùa Đông giá lạnh sắp tới.
Chiến lược năng lượng của các nước châu Âu khi mùa Đông sắp tới ảnh 1Trạm bơm khí tự nhiên hóa lỏng ở Dortmund, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt đang gặp khó khăn, nhất là việc phải chuẩn bị lượng khí đốt dự trữ cho mùa Đông tới, nhiều nước châu Âu đã có những chiến lược riêng để ứng phó với những khó khăn liên quan tới nguồn cung năng lượng.

Phần lớn các nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga và với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, không chỉ người dân Đức mà người dân các nước châu Âu khác cũng đang rất quan ngại cho vấn đề năng lượng vào mùa Đông tới.

Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc rất khác nhau ở các nước, điều cũng dẫn tới những chiến lược khác nhau mà chính phủ các nước đề ra nhằm tìm cách thay thế cho nguồn dầu và khí từ Nga, chọn cách hạn chế tiêu thụ năng lượng cũng như bảo vệ người dân và doanh nghiệp trước sự gia tăng chi phí quá mức hoặc thậm chí là tắc nghẽn nguồn cung.

Đối với Pháp, điều mà Đức lo ngại lâu nay đã trở thành hiện thực ở Pháp trong vài tuần qua khi các đường ống dẫn khí từ Nga tới nước này đã khô cạn.

Hồi giữa tháng 6/2022, nhà khai thác GRTGaz của Pháp đã nhận thấy "sự gián đoạn dòng khí đốt giữa Pháp và Đức" sau khi nguồn cung từ Nga tới Tây Âu bị cắt giảm. Tuy nhiên, so với Đức, Pháp ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung từ Nga (chỉ chiếm 17% lượng khí đốt nhập khẩu).

Nhà cung cấp lớn nhất của Pháp là Na Uy với khí đốt chạy đến thẳng Dunkirk ở miền Bắc nước Pháp thông qua một đường ống ở đáy Biển Bắc.

Ngoài ra, Pháp có ba trạm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu, có thể được kết nối vào mạng lưới đường ống quốc gia.

Đối với điện, Pháp có nguồn năng lượng hạt nhân tương đối mạnh, chiếm khoảng 70% sản lượng điện của cả nước.

Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số 56 lò đang ngừng vận hành để kiểm tra an toàn hoặc bảo trì và việc sản xuất điện khó có thể trở lại bình thường cho đến năm 2023. Do vậy, hiện 11 nhà máy điện khí của Pháp cũng đang phải phải vận hành hết công suất.

Trước những lo ngại về nguồn cung mùa Đông tới, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire kêu gọi người dân tiết kiệm tiêu thụ năng lượng.

Chiến lược năng lượng của các nước châu Âu khi mùa Đông sắp tới ảnh 2Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo Tiếng vang (Les Échos) cho biết Chính phủ Pháp có kế hoạch trao cho nhà nước các đặc quyền trong trường hợp khẩn cấp về năng lượng, trong đó nhà nước có thể vận hành các nhà máy điện khí và kiểm soát việc cung cấp điện.

Kể từ mùa Thu năm ngoái tới nay, Pháp đã chi trên 20 tỷ euro để kiềm giá khí đốt nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và biện pháp này sẽ được gia hạn trước mắt tới cuối năm nay.

Tại Tây Ban Nha, đầu tháng Sáu vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã cho phép Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha áp trần giá khí đốt để sản xuất điện trong một năm.

Trần giá sẽ ở mức trung bình hằng năm là 48,80 euro/MWh, nhưng sẽ được điều chỉnh theo thời gian.

Cụ thể, trong sáu tháng đầu tiên, mức giá là 40 euro/MWh và sau đó tăng thêm năm euro/tháng cho đến khi đạt 70 euro/MWh.

Tại Tây Ban Nha, người tiêu dùng bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi giá khí đốt tăng cao, do có tới 37% số hộ gia đình có biểu giá điện gắn liền với thị trường giao ngay.

Để các nhà cung cấp năng lượng không bị thua lỗ, nhà nước sẽ hoàn trả cho họ phần chênh lệch giữa giá trần và giá khí đốt thực.

[Nga nêu điều kiện để tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu]

Khoảng 20% sản lượng điện của Tây Ban Nha dựa vào khí đốt tự nhiên. EC ước tính chi phí cho việc áp trần giá khí đốt là 8,4 tỷ euro cho cả năm, trong đó 6,3 tỷ euro cho Tây Ban Nha và số còn lại cho Bồ Đào Nha.

Hiện, giá điện là 147 euro/MWh, thấp hơn 47% so với trường hợp không có trần giá. Tây Ban Nha cũng đã giảm thuế, phí và lệ phí đối với điện, cho phép các hộ gia đình có thu nhập thấp được giảm giá điện.

Tất cả các biện pháp kết hợp với nhau sẽ giúp người dân tiết kiệm gần 30% so với mức giá không được hỗ trợ.

Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng khai thác một phần siêu lợi nhuận mà các công ty năng lượng kiếm được từ giá khí đốt cao.

Đối với Bồ Đào Nha, nơi có lưới điện liên kết chặt chẽ với lưới điện ở Tây Ban Nha, mức trần giá khí đốt tương tự như ở quốc gia láng giềng đã có hiệu lực từ giữa tháng Sáu.

Kể từ tháng Tư, Bồ Đào Nha đã trợ cấp cho các công ty sử dụng nhiều năng lượng như các nhà sản xuất thép, xi măng và thủy tinh.

Nhà nước sẽ đảm nhận 30% mức tăng giá khí đốt từ năm 2021 và 2022. Mỗi công ty sẽ nhận được tối đa 400.000 euro, chính phủ sẽ cung cấp tổng cộng 160 triệu euro cho khoản viện trợ này.

Lisbon dự kiến biện pháp này sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 3.000 công ty.

Tại Italy, chủ trưởng của Chính phủ nước này là nhanh chóng giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Do vậy, Rome đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với một loạt nước như Algeria, Qatar, Israel, Azerbaijan, Angola và Cộng hòa Congo.

Một năm trước, nhập khẩu từ Nga còn chiếm 35% nhu cầu khí đốt của Italy, song trong quý đầu tiên của năm nay, con số này đã giảm xuống còn 21%, chủ yếu do nhập khẩu từ Algeria tăng mạnh ngay cả trước khi chiến tranh Ukraine bùng nổ.

Dự kiến, trong năm nay và năm tới sẽ có thêm 9 tỷ m3 khí được chuyển từ Algeria tới Italy qua đường ống chạy qua Tunisia đến đảo Sicily, vốn cho tới nay mới chỉ vận hành một nửa công suất.

Ngoài ra, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng sẽ được gia tăng mạnh. Nhà cung cấp khí đốt nhà nước Eni đã hợp tác với Qatar để phát triển mỏ khí North Field East - dự án LNG lớn nhất trên thế giới với khoảng 45 tỷ m3 khí, sẽ được khai thác kể từ năm 2025, trong đó một phần lớn sẽ được vận chuyển tới Italy bằng tàu thủy.

Hiện, Italy đã có ba trạm tiếp nhận LNG và hai trạm nữa sẽ được bổ sung trong vòng hai năm tới. Rome cũng đang lên kế hoạch nhanh chóng mở rộng nguồn năng lượng tái tạo, với sản lượng 20 gigawatt sẽ được bổ sung mỗi năm.

Tuy nhiên, Chính phủ Italy ước tính sẽ mất từ 18-24 tháng để quốc gia này có thể độc lập với nguồn khí đốt của Nga.

Để vượt qua mùa Đông tới, Italy đang tích cực lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, hiện ở mức trung bình là 55%, với mục tiêu lấp đầy ít nhất 90% vào tháng 11 tới.

Chính phủ sẽ đảm bảo để các công ty năng lượng không gặp khó khăn trong việc mua khí đốt do chi phí tăng mạnh.

Để giảm sử dụng khí đốt sản xuất điện, 6 nhà máy điện than theo kế hoạch ngừng hoạt động vào năm 2025, đã phải vận hành với công suất lớn hơn kể từ đầu năm nay. Italy từ bỏ điện hạt nhân từ cuối những năm 1980.

Nhằm tiết kiệm năng lượng, Rome đã có quy định bắt buộc tất cả các tòa nhà công chỉ để nhiệt độ máy điều hòa không khí ở mức tối đa 25 độ C vào mùa Hè này, cao hơn 1 độ C so với bình thường.

Vào mùa Đông, máy sưởi chỉ được phép để từ 19-21 độ C thay vì từ 20-22 độ C trước đây. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5 và trước mắt kéo dài cho đến cuối tháng 3/2023.

Đối với Đức, nếu nguồn cung bị ảnh hưởng thì ngành công nghiệp sẽ là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng.

Theo kế hoạch khẩn cấp của Chính phủ liên bang, ngành công nghiệp - chiếm khoảng 36% tổng lượng tiêu thụ, sẽ tự tìm cách vận hành trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Khu vực cần bảo vệ là các hộ gia đình tư nhân, các tổ chức công và ngành chăm sóc sức khỏe - vốn tiêu thụ khoảng 48% tổng nhu cầu.

Cho tới nay, bất chấp nguồn cung giảm, các cơ sở tích trữ khí đốt vẫn đang tiếp tục được lấp đầy, ở mức gần 63%.

Chiến lược năng lượng của các nước châu Âu khi mùa Đông sắp tới ảnh 3Bên trong cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức không loại trừ tình hình xấu đi nếu Nga tiếp tục giảm hoặc ngừng hoàn toàn nguồn cung từ hệ thống Nord Stream 1 sau thời gian bảo trì kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ 11/7.

Theo Đạo luật trích trữ khí đốt, các cơ sở tích trữ phải được lấp đầy 80% vào ngày 1/10 và lên tới 90% vào ngày 1/11.

Giới chức Đức cũng kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng. Trong nửa đầu năm 2022, lượng tiêu thụ khí đốt ở Đức đã giảm 14%.

Bộ Kinh tế liên bang Đức cũng bác bỏ những lo ngại về năng lực vận chuyển để nhập khẩu LNG, khẳng định việc vận chuyển nguồn năng lượng này sẽ được đảm bảo ở Đức.

Nước này cũng sẽ sử dụng ít khí đốt hơn để sản xuất điện, thay vào đó, các nhà máy điện than sẽ được sử dụng cho một giai đoạn chuyển tiếp.

Quốc hội Đức cuối tuần qua cũng đã dọn đường cho việc tạm thời sử dụng thêm các nhà máy điện than để sản xuất điện, song bác bỏ đề xuất của nhóm nghị sỹ liên đảng bảo thủ CDU/CSU kéo dài thời gian vận hành của các nhà máy điện hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục