Trang The Interpreter của Viện Lowy, Australia, mới đây đăng bài viết của tác giả Bates Gill cho rằng chiến lược "tuần hoàn kép" của Trung Quốc có tác động lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung, trong đó có Australia.
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc khóa XIII (Nhân đại XIII) thông qua một chương trình nghị sự kinh tế đầy tham vọng trong 15 năm tới. Đặc biệt, các đại biểu đã tán thành chiến lược “tuần hoàn kép” mới, bao gồm “tuần hoàn trong nước” và “tuần hoàn quốc tế,” một khuôn khổ do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên vào năm 2020.
Ý nghĩa đối với Trung Quốc
Một mặt, chiến lược này sẽ khuyến khích sự phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc (“tuần hoàn nội địa”) để tăng trưởng và đổi mới công nghệ.
Điều này sẽ thay thế cho tăng trưởng thâm dụng vốn, xuất khẩu giá trị thấp và công nghệ nhập khẩu vốn đã thúc đẩy thành công kinh tế của quốc gia này quá khứ.
Mặt khác, "tuần hoàn quốc tế" sẽ giúp thúc đẩy nỗ lực lâu nay của Trung Quốc, có tên gọi là "Made in China 2025" (MIC 2025). Mục đích của “tuần hoàn quốc tế” là nâng cấp cơ sở sản xuất quốc gia thông qua tích hợp công nghệ thông tin để nâng cao năng suất, tăng hàm lượng bản địa của các sản phẩm công nghệ cao cấp hơn, giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào từ nước ngoài và tự chủ hơn về công nghệ.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố trong báo cáo công tác trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc rằng: “Chúng ta sẽ ưu tiên tuần hoàn trong nước, và nỗ lực xây dựng thị trường nội địa mạnh mẽ và biến Trung Quốc thành một nhà kinh doanh có chất lượng. Chúng ta sẽ tận dụng các dòng chảy của nền kinh tế trong nước để biến Trung Quốc trở thành nam châm lớn để thu hút các yếu tố sản xuất và tài nguyên toàn cầu, từ đó thúc đẩy tác động qua lại tích cực giữa tuần hoàn trong nước và tuần hoàn quốc tế.”
Chiến lược tuần hoàn kép, và cụ thể là MIC 2025, có mục đích cuối cùng là định vị Trung Quốc là nguồn cung cấp các công nghệ và đầu ra công nghiệp quan trọng hàng đầu trong tương lai trên toàn chuỗi giá trị - từ thiết kế, quy trình sản xuất, công nghệ và nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm.
[Trung Quốc-Australia bước vào cuộc chiến thương mại 2.0?]
Các lĩnh vực ưu tiên cao bao gồm công nghệ thông tin thế hệ mới, robot, hàng không vũ trụ, đường sắt tốc độ cao, năng lượng xanh, sinh học và vật liệu mới. Phân tích của các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc và các đối tác nước ngoài ước tính rằng kế hoạch MIC 2025 kỳ vọng sẽ chiếm được 40-80% chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực trên từ năm 2020 đến năm 2030.
Nếu thành công, ý nghĩa của chiến lược này là rất lớn. Đối với Trung Quốc, chiến lược có thể phá vỡ “bẫy thu nhập trung bình” vốn đã ngăn cản bước tiến của nhiều nền kinh tế mới nổi khác trong quá khứ.
Điều quan trọng là chiến lược được kỳ vọng sẽ tránh được các mối đe dọa ngày càng tăng về “quá trình phân tách”, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại công nghệ cao và tiếp cận thị trường tài chính.
Trên thực tế, Trung Quốc còn lâu mới có thể tự cung tự cấp về công nghệ. Nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài và khả năng tiếp cận thị trường. Đặc biệt là một số công nghệ nền tảng nhất định, chẳng hạn như chất bán dẫn, vốn sẽ rất quan trọng đối với sự phát triển của các lĩnh vực công nghiệp tiên tiến khác.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo vào năm 2016 rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ cốt lõi là rắc rối tiềm ẩn lớn nhất đối với nước này. Để thay đổi điều đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải "siết chặt sự phụ thuộc của các chuỗi sản xuất quốc tế vào Trung Quốc, tạo thành một biện pháp đối phó và khả năng răn đe mạnh mẽ chống lại những người nước ngoài muốn cắt đứt nguồn cung của chúng ta một cách giả tạo.”
Tác động đối với Australia
Triển vọng quan hệ kinh tế Australia-Trung Quốc vốn đã ảm đạm. Như đã tuyên bố tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nếu Trung Quốc tiếp tục làm chậm lại mô hình phát triển thâm dụng vốn và mở rộng các kế hoạch tăng trưởng xanh và tiêu dùng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu quặng sắt và than truyền thống của Australia.
Mặt khác, nếu Trung Quốc chuyển đổi thành công trong thập kỷ tới thành quốc gia “thu nhập cao,” điều này có thể là dấu hiệu tốt cho hàng xuất khẩu của Australia vốn phục vụ cho những người giàu có ở Trung Quốc.
Ví dụ như hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao, giáo dục, du lịch, sản phẩm sức khỏe, thương hiệu phong cách sống và có thể cả công nghệ tài chính.
Tuy nhiên, những điều này chỉ đạt được khi quan hệ song phương được cải thiện đáng kể và người tiêu dùng Trung Quốc không bị thu hút bởi các sản phẩm trên từ các nhà cung cấp khác. Cả hai điều kiện này đều rất khó có triển vọng đạt được trong ngắn hạn.
Ngoài ra, nếu Trung Quốc thành công trong tham vọng thống trị các thị trường công nghệ cao cấp quan trọng vào năm 2030, điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến một số tham vọng công nghệ cao của Australia ở cả thị trường Trung Quốc và toàn cầu.
Hơn nữa “khả năng răn đe” kinh tế hơn đối với người nước ngoài có thể ảnh hưởng đến Australia trong một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Sự cạnh tranh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng sẽ gây ra những hậu quả đối với Australia./.