Chiến lược gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á của Trung Quốc không hiệu quả

Đối với tất cả tiền bạc, thời gian và nỗ lực mà Trung Quốc đã “đổ” vào khu vực Đông Nam Á, các đại kế hoạch của nước này với khu vực láng giềng này được cho là không phát huy hiệu quả như mong đợi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: sharesinv.com)

Theo asiatimes.com, đối với tất cả tiền bạc, thời gian và nỗ lực mà Trung Quốc đã “đổ” vào khu vực Đông Nam Á, các đại kế hoạch của nước này đối với khu vực láng giềng này được cho là không phát huy hiệu quả như mong đợi của Bắc Kinh.

Khi các lãnh đạo khu vực tham dự cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào cuối tuần này, một dịp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ lỡ, Trung Quốc sẽ vẫn sát sao theo đuổi các kế hoạch trên để có được ưu thế đối với khu vực.

Những nghi ngờ về những ý định cuối cùng của Trung Quốc, bao gồm sáng kiến “Vành đai và Con đường” trị giá 1 nghìn tỷ USD, đang nổi lên khắp khu vực cùng với những cảnh báo của Mỹ về “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh.

Người dân của một số nước Đông Nam Á đã giận dữ trước cách mà nguồn đầu tư của Trung Quốc đang làm thay đổi đất nước của họ.

Ở Campuchia, sự phản đối của người dân ngày càng gia tăng trước khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc, đặc biệt ở những nơi như thành phố ven biển Sihanoukville, nơi mà người dân bản địa nói rằng đầu tư của Bắc Kinh đã biến thành phố ven biển này thành một “tỉnh của Trung Quốc.”

Trong khi đó, ở Philippines, người dân và một số bộ phận giới tinh anh của nước này cũng ngày càng hoài nghi về việc liệu Tổng thống Rodrigo Duterte đã tính toán sai lầm khi theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh và coi nhẹ các tranh chấp của Manila ở Biển Đông với Trung Quốc hay không.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy có tới 93% người dân Philippines muốn Chính quyền Duterte thâu tóm lại từ “tay” Trung Quốc các đảo và thực thể mà Philippines tuyên bố ở Biển Đông, bao gồm Bãi cạn Scarborough.

[Quan hệ Trung Quốc-ASEAN bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới]

Trong một bài viết gần đây, cây bút đồng thời là học giả Richard Heydarian nhận định: “Chiến lược được thử thách qua thời gian của Bắc Kinh về thu hút giới tinh hoa, quyến rũ hoặc mua lòng trung thành của giới tinh anh ở các nước đối tác thông qua các thỏa thuận kinh tế khủng dường như ngày càng mong manh hơn.”

Ông Heydarian cũng cho rằng chiến lược này của Bắc Kinh đã khiến tầng lớp tri thức về chính trị, quyết đoán và năng động của các nước nhận đầu tư trở nên xa lánh Trung Quốc hơn.

Tại Malaysia, kể từ khi lên cầm quyền hồi tháng 5/2018, Liên minh Hy vọng cầm quyền và Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tích cực đình chỉ và tái thương lượng các thỏa thuận với Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2018, nhà lãnh đạo Malaysia cũng cáo buộc Trung Quốc là một “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” đối với khu vực.

Lào, quốc gia láng giềng vốn lâu nay là vùng đệm giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á lục địa, cũng đã chứng kiến các cuộc tấn công lẻ tẻ nhằm vào người dân Trung Quốc với một số người bị các nhóm vũ trang ở Lào sát hại trong những năm gần đây.

Xuất hiện tình trạng thù địch ngày càng gia tăng đối với cái mà một số người gọi là “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc, mà theo đó, Lào là một trong những “con nợ” lớn nhất của Bắc Kinh, phần lớn là do nước này đầu tư xây dựng dự án đường sắt trị giá 6 tỷ USD ở Lào mà nhiều người cho rằng có thể trở thành một dự án ngốn nhiều tiền mà không hiệu quả.

Một bài viết của cây bút Heydarian có đoạn nhận định: “Thay vì tiến tới sự bá chủ của Trung Quốc, điều mà chúng ta đang chứng kiến là sự quyết đoán ngày càng gia tăng của tính tự chủ và thái độ tập thể của các nước láng giềng với Bắc Kinh.”

Dĩ nhiên, tinh thần chống Trung Quốc gia tăng ở Đông Nam Á là sự hả hê đối với Chính quyền Trump, vốn đang gia tăng đối đầu với Bắc Kinh trong cái mà một số nhà phân tích bắt đầu ví như một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới.”

Chiến lược An ninh Quốc gia mà Nhà Trắng công bố hồi tháng 11/2017 đã đề cập về “một sự cạnh tranh cường quốc lớn” giữa Mỹ và Trung Quốc trong đó có ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự hoài nghi của khu vực đối với những ý định của Bắc Kinh vượt xa chính trị cường quốc.

Các dự án đầu tư, bao gồm sáng kiến “Vành đai và Con đường”, thường không minh bạch và bị làm cho tệ hại bởi các mưu đồ ngầm, móc ngoặc với giới chức địa phương, nhằm tiếp cận quyền tiếp cận đất đai của nước được đầu tư.

Quyền sở hữu đất đai và vấn đề môi trường đang trở thành những mối quan ngại lớn ở Đông Nam Á và trong nhiều trường hợp, đầu tư của Trung Quốc được xem là đang làm trầm trọng vấn đề hơn.

Cũng đã có những phàn nàn về việc đầu tư của Trung Quốc thậm chí không đem lại lợi ích ngắn hạn cho người dân các nước nhận đầu tư.

Ví dụ, ở Campuchia, thành phố Sihanoukville đã bị biến thành một trung tâm của những con bạc và khách du lịch Trung Quốc, trong khi giá đất tăng cao do hoạt động đầu tư bất động sản của Trung Quốc khiến người dân bản địa không thể có đủ khả năng tài chính để mua đất ở thành phố này.

Cũng đã có những phàn nàn về việc các dự án do Trung Quốc hỗ trợ thường thuê chính công nhân Trung Quốc chứ không phải người dân bản địa.

Điều này đặt ra những nghi ngờ về việc liệu sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thực sự giúp nâng cao mức sống của người dân Đông Nam Á thông qua hoạt động thương mại được thúc đẩy tốt hơn hay không, hay sáng kiến này nhắm đến việc thúc đẩy sự kiểm soát về mặt chính trị và kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực.

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Yusof Ishak chỉ ra rằng có 45,5% số người được hỏi nghĩ rằng “Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại vói ý định biến Đông Nam Á thành phạm vi ảnh hưởng của họ.”

Nhóm tác giả tiến hành cuộc điều tra này cho rằng kết quả này là lời cảnh báo đối với Trung Quốc để nước này phải thay đổi hình ảnh tiêu cực của mình ở Đông Nam Á mặc dù Bắt Kinh liên tiếp khẳng định sự trỗi dậy của nước này là hòa bình và không gây hại đến nước nào.

Mặc dù Trung Quốc đang có được những lợi thế vượt trội hơn, từ tài chính, quân sự đến con người, trong hoạt động ngoại giao khu vực, song giới phân tích cho rằng Bắc Kinh vẫn không có được cái nhìn thiện cảm trong khu vực, do giới chức Trung Quốc dường như không sẵn lòng hiểu rằng chính trị và kinh tế được tiến hành một cách rất khác biệt ở từng quốc gia Đông Nam Á riêng rẽ.

Giới phân tích cho rằng giới chức Trung Quốc dường như không tin vào lý do vì sao người dân bản địa không chào đón đầu tư của họ và vì sao Trung Quốc lại bị coi là một nước gây hấn.

Sự không nhạy bén về cách thức mà nền chính trị trong nước khu vực hoạt động và cách thức người dân cảm nhận về Trung Quốc một phần là do sự kiểm soát và thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các vấn đề đối ngoại.

Trong một bài viết gần đây, tạp chí The Economist giải thích: “Đảng Cộng sản Trung Quốc không hiểu rằng quyền lực mềm phần lớn xuất phát từ những cá nhân, lĩnh vực tư nhân và xã hội dân sự.”

Thiếu hụt thứ hai của Trung Quốc liên quan vấn đề lịch sử. Bắc Kinh có xu hướng coi các mối quan hệ ngoại giao thông qua lăng kính diễn giải lịch sử của chính họ, trong khi bỏ qua những diễn biến sự kiện mang tính đối kháng nhau của các nước trong khu vực, đặc biệt liên quan tranh chấp Biển Đông.

Điều này giải thích Bắc Kinh không ngừng tuyên bố rằng bất kỳ sự phản đối nào về các hành động của Trung Quốc trong khu vực đều là thiếu hiểu biết, chính sách tuyên truyền của Mỹ hoặc là chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Nếu Trung Quốc sử dụng hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này là nơi để lặp lại những tuyên bố một phía như vậy thì điều này sẽ không gây ngạc nhiên cho các lãnh đạo tham dự sự kiện khu vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục